Để khai thác và phát huy tối đa thiết chế Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có, hình thành Trung tâm bảo quản tư liệu vùng, quốc gia là việc làm cấp thiết hiện nay, phù hợp với xu thế phát triển của thư viện hiện đại.
Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh: Đầu tư đúng tầm cho thư viện, chú trọng những thư viện có tính khu vực... hình thành 03 trung tâm bảo quản vùng tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tiến tới tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp trên địa bàn cả nước.
Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa, hiện đại hóa trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện. Lấy nhiệm vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm mục tiêu lựa chọn sách, xây dựng vốn tài liệu thư viện để cung cấp kịp thời cho bạn đọc. Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.
Phòng đọc tại Thư viện Tổng hợp tỉnh
Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong hệ thống thư viện các tỉnh của cả nước, hiện quản lý nguồn tài liệu, sách báo khá lớn với 95.000 tên sách với 250.000 bản sách; 624 loại báo, tạp chí. Thư viện cũng đang lưu trữ, bảo quản 8.670 tên sách và 3864 tập tạp chí xuất bản trước năm 1975; 4000 bản tư liệu địa chí,...
Từ 2009 đến nay, Thư viện đã tiến hành sưu tầm, số hóa trên 166.000 trang tư liệu Hán Nôm làng xã tư gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Dặc biệt trong đợt sưu tầm, số hóa mới đây, từ tháng 02 đến tháng 6/2016, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thu được trên 15.000 trang tài liệu sắc phong, chiếu phong, gia phả,... thời Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn tại 16 làng, phủ và 60 dòng tộc trên địa bàn.
Triển lãm tư liệu Hán Nôm tại Thư viện Tổng hợp tỉnh
Với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và quý giá như vậy, bên cạnh đó, Huế còn là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đang bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản quý giá như quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế,... cùng nhiều tư liệu hiện còn lưu giữ tại các phủ đệ, hệ thống chùa chiền, tư gia, làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nguy cơ hư hỏng, mất mát. Do vậy, việc hình thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia trên cơ sở Thư viện Tổng hợp tỉnh đang được ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung triển khai. Không chỉ đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, thiết bị cho công tác bảo quản, lưu trữ tại chỗ, mà còn tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng các tiến bộ khoa học hiện đại, tăng cường nối kết, hợp tác với các trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia lớn, nhằm thực hiện mục tiêu lưu trữ, bảo quản lâu dài các nguồn tư liệu quý không chỉ cho Thừa Thiên Huế mà cho cả cho khu vực, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các nguồn tư liệu, đáp ứng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng rộng rãi cho các đối tượng trong xã hội.