1. Một người thầy học được vua Gia Long rất mực tôn kính là Thị học Nguyễn Doãn Thống. Thầy Thống quê ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc của đàng Trong. Đại Nam liệt truyện, Chính biên, tập 2, quyển 12 viết về thầy “Gia thế làm quan, có học hành, tính cương trực, nghiêm chỉnh”, do đó, được người đời nể phục cả về học vấn và đạo đức.
Ban đầu, thầy được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) bổ chức Thị học để lo dạy dỗ hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Chương. Sau khi Hoàng trưởng tử Chương mất sớm, thầy Nguyễn Doãn Thống vẫn tiếp tục được giao dạy các hoàng tử trong cung. Khi quân đội Lê - Trịnh chiếm Phú Xuân, thầy Nguyễn Doãn Thống ẩn ở Phú Xuân rồi tìm cách đưa gia đình vào Gia Định. Thầy vượt biển vào Gia Định, yết kiến Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần tại Tam Phụ ngay năm 1775. Duệ Tông liền bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống lo việc học của hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh, là cháu gọi Duệ Tôn bằng chú.
Năm 1777, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương bị quân Tây Sơn giết, năm sau, Nguyễn Phúc Ánh vào tuổi 17 đã được tướng sĩ tôn phong Đại nguyên soái Nhiếp chính vương. Nguyễn Ánh liền bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống làm Ký lục Phiên Trấn. Đến năm 1780, Nguyễn Ánh tiếp tục được tôn phong thành Nguyễn Vương. Khi Nguyễn Vương qua Vọng Các (Bangkok, Thái Lan), thầy Nguyễn Doãn Thống không theo kịp Nguyễn Vương, đành tạm trốn trong dân. Năm 1788, Nguyễn Vương tái chiếm Gia Định, tháng, thầy được phục chức Ký lục Phiên Trấn (Gia Định). Quan Ký lục tổ chức chu toàn việc dạy và học trấn, là môi trường đào tạo và tuyển bổ nhiều người tài để phò Nguyễn Vương trong công cuộc nhất thống thiên hạ.
Đại Nam liệt truyện chỉ viết một câu mà nổi bật thành tích của thầy Nguyễn Doãn Thống: “Yêu dân, mến học trò, tiếng tăm công trạng rõ rệt”. Thầy Nguyễn Doãn Thống qua đời năm 1791 ở Gia Định, Nguyễn Vương thương tiếc, truy phong Lại Bộ.
2. Vua Thiệu Trị cũng rất mực kính trọng người thầy của mình là Nguyễn Đăng Tuân. Ông sinh năm 1772 tại làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong một gia đình nho học, cha ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành. Mặc dù có tài năng, nhưng vào thời Tây Sơn, Nguyễn Đăng Tuân không ra làm quan mà đi ở ẩn. Đầu đời Gia Long, ông được tiến cử vào làm việc ở Viện Hàn lâm, rồi làm Tri huyện Ngọc Sơn (nay là vùng thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Ít lâu sau, đổi ông về Huế sung chức Tư giảng ở Công phủ, rồi làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh.
Sau khi được điều ra giữ nhiều chức vụ khác nhau ở Bắc Thành, Năm 1830, vua Minh Mạng sung ông làm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Tuy nhiên, làm được một năm, thì ông xin về nghỉ, được ban hàm Tả Tham tri bộ Lễ. Đến năm 1835, ông được triệu vào triều, sung chức Sư bảo dạy các Hoàng tử. Trong số đó có Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Nhờ dạy bảo nghiêm, và nghĩ định điều lệ để dạy dỗ, ông được ban hàm Thượng thư. Được vài năm, ông lại xin về nghỉ. Khi vua Minh Mạng mất (1840), Nguyễn Đăng Tuân về triều viếng tang. Gặp lại thầy dạy cũ, vua Thiệu Trị muốn bổ ông làm Thượng thư bộ Lễ, nhưng ông khẩn thiết xin từ, chỉ dâng lên bài biểu, vừa để tạ ơn, vừa để xin vua hãy chú trọng “đạo hiếu” và “đạo trị nước”. Vua Thiệu Trị càng cảm kích, ban chỉ mời ông về triều, lại sung ông làm chức Sư bảo để dạy dỗ cho các Hoàng đệ và Hoàng tử.
Khi thấy mình đã già yếu, ông lại cố xin nghỉ. Không nỡ trái ý ông mãi, nhà vua bèn ban cho vàng bạc, đồng thời cấp thuyền công để đưa ông về quê. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), nhà vua sai quan ở Nội các mang sắc thư đến nhà thăm hỏi ông, đồng thời ban cho ông thực thụ hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ. Ngoài ra, nhà vua còn sai cấp cho ông một nửa nguyên bổng hàng năm, cho người con thứ (được tập ấm làm Tư vụ) và người cháu là cử nhân Nguyễn Đăng Hành đều được ở nhà để phụng dưỡng ông. Song ông đã dâng sớ xin từ chối bổng lộc, nói rằng mình “không đến nỗi thiếu thốn”.
Mùa đông năm đó (1844), Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, thọ 72 tuổi, được truy tặng chức Thiếu sư, và ban tên thụy là Văn Chính. Ngoài ra, nhà vua còn sắc cho ty chức cấp tiền để lo việc tang, sai quan đến tế, đồng thời lại sai lấy thơ vua làm và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng nơi làng của ông.
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), nhà vua nghĩ đến công lao của ông, có làm hai bài thơ, rồi sai người đọc trong một buổi tế. Sau, sứ thần về lại nói là cảnh nhà ông quá thanh bạch, nhà vua lại sắc cho ty thuộc dựng lại nhà để thờ ông.
Đại Nam thực lục, tập 6, có ghi lại nhận xét của vua Thiệu Trị về Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân: “Đại thần Nguyễn Đăng Tuân, trong năm Minh Mạng, đức Hoàng khảo, Thái tổ Nhân hoàng đế, thận trọng trong việc kén chọn người chủ tế tự, nối dùng dõi, cần được sư phó xứng đáng nên đặc cách sai Đăng Tuân do chức hàm Tham tri bộ Lễ, sung bồi vào ghế ngồi giảng học. Trẫm khi chưa lên ngôi, mỗi lúc rỗi, ngoài giờ Hoàng khảo dạy chính sự liền cùng (Đăng Tuân) giảng luyện văn tịch, bàn bạc cổ kim, phần nhiều có thành hiệu rõ rệt. Các hoàng đệ bấy lâu nhờ sự khuyên nhủ giúp đỡ, đức cũng theo tuổi tiến lên...”
3. Cụ Nguyễn Doãn Cử (1821-1890), quê huyện Vũ Thư, Thái Bình, đỗ Cử nhân, được làm giảng quan của phủ Tôn Nhân, chuyên dạy con em vương hầu nhà Nguyễn. Cụ được Thị độc học sĩ - cử nhân Vũ Phạm Khải - khi nghỉ hưu đầu năm 1879, do biết được tài năng đức độ của Nguyễn Doãn Cử nên đã tiến cử vị cử nhân trẻ này thay mình. Vua Tự Đức tin ở Vũ Phạm Khải nên đã đồng ý chọn cho con cháu Hoàng tộc một ông thầy có đủ tài năng và đức độ. Cụ Doãn Cử liền được thăng hàm lâm viện thị giảng, sung Quốc sử quán biên tu, chuyên lo việc dạy học cho con cháu của vua.
Có lần, học trò là Ưng Lịch, con Kiên Thái Vương Hồng Cai không thuộc bài, thầy Cử đã phạt đòn thẳng tay, bất chấp trò là “cành vàng lá ngọc”. Sau đó thầy Cử liền dâng sớ tạ tội, cáo quan về quê cũ. Tuy nhiên vua Tự Đức chẳng những không quở trách mà còn đưa thêm roi cho thầy và nói: “Khanh quý trẫm vì nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như vậy thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng”.
Do vua Tự Đức bao dung và thầy Doãn Cử nghiêm khắc, nên các hoàng tử, hoàng tôn được thầy dạy dỗ đều học hành nghiêm chỉnh. Hoàng tôn Ưng Lịch sau là vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước.
4. Vua Hàm Nghi còn có một người thầy nữa là Nguyễn Nhuận (Nguyễn Văn Nhuận), quê ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Thầy Nhuận dù chỉ đỗ cử nhân, nhưng được kính nể không chỉ vì trí tuệ uyên thâm mà còn cả sự liêm khiết, quang minh. Sau một thời gian mở trường dạy ở quê, ông được mời vào kinh dạy con cháu hoàng tộc, trong đó có Hoàng thân Ưng Lịch.
Sau khi vua Kiến Phúc mất, năm 1884 triều đình tôn Hoàng thân Ưng Lịch lên làm vua. Nhớ ơn thầy, vua Hàm Nghi muốn phong cho Nguyễn Nhuận một chức quan. Nghĩ đến Quảng Bình có vùng đất Tuyên Hóa nghèo khổ lại toàn là núi rừng, dân chúng ít học, thầy Nguyễn Nhuận đã xin được về Tuyên Hóa nhận chức Tri huyện.
Thời gian cụ làm quan ở huyện này, toàn huyện không có ăn xin ăn mày, không có trộm cắp, vườn tược thông thương, hoa quả không bị mất trộm, nhà nhà không phải đóng cửa khi chủ đi vắng...
Hiện ở làng Quảng Xá vẫn lưu giữ đôi cấu đối sơn son thếp vàng, nói về mảnh đất sinh ra bậc “vương sư” này: “Thiên địa hữu sinh thiên địa ngẫu/ Đế vương chi hậu đế vương sư” (có nghĩa: “Sinh ra trời đất là quy luật tự nhiên/ Sinh ra vua phải có thầy dạy vua”).
Năm 1885, vua Hàm Nghi đem gia quyến cùng Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết rời bỏ kinh thành ra Quảng Bình, Quảng Trị, phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, đánh lại người Pháp để cứu nước. Mãi đến năm 1888, người Pháp mới bắt được vua Hàm Nghi. Tuy nhiên, nhà vua nhất định không nhận mình là vua. Mãi đến khi người Pháp đem thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến xem thì nhà vua liền đứng dậy vái chào. Đến lúc đó thì người Pháp mới yên trí đó chính là vua Hàm Nghi và đày vua sang Algeria.
Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về đạo thầy trò của các vị vua như mối lương duyên giữa thầy Mai Khắc Đôn với học trò là vua Duy Tân, khi nhà vua nhất mực xin cưới con gái thầy làm vợ. Hoặc câu chuyện về sự quý trọng của vua Thành Thái với thầy học là Đại thần Nguyễn Trọng Hợp, khi vua ngự giá Bắc thành đã đến tận nhà thầy ở Kim Giang để thăm hỏi. Tất cả đều chứng minh cho đạo lý sáng ngời: Người Việt Nam, từ vua chúa đến thứ dân, ai cũng một lòng tôn sư trọng đạo.