Cần biết cách làm hài lòng du khách
Lượt đọc: 103963Thời gian: 10:32 - 09/12/2016

(VHH) - Khi người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch trở thành xu hướng thì kiến thức và sự chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ là điều mà mỗi người dân cần được trang bị.

Được và chưa được

Du khách đến Huế luôn muốn tìm kiếm những giá trị mang tính văn hóa bản địa. Bởi thế, chính những cái không mang thị trường hóa lại được du khách thích thú và lựa chọn. Nhưng đã làm kinh tế từ du lịch thì ít ra cũng cần có những cái quy chuẩn, chẳng hạn như nhà vệ sinh cần sạch sẽ, quá trình chế biến món ăn phải hợp vệ sinh, giao tiếp với khách phải nhẹ nhàng, lịch sự... Điều này, nhiều người làm được, ở Thủy Biều, cầu ngói Thanh Toàn hay các nhà vườn ở Kim Long... Du khách vô cùng hài lòng, cảm thấy thỏa mái từ sự cởi mở, chu đáo của người dân.

Tham gia trải nghiệm nấu ăn với người dân trong tour khám phá Huế bằng Vespa cổ, một du khách nước ngoài chia sẻ, họ không chỉ ấn tượng với các món ăn đặc trưng, dân dã của Huế, mà hơn thế là bởi chính con người Huế. Giới thiệu tỉ mỉ từng món ăn, nhã nhặn khi trao đổi với khách. Sự hài lòng càng nhân lên khi du khách được dẫn dắt bởi những người dân bình thường, chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp về du lịch.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nếu nói người Huế chưa có ý thức cao trong việc làm hài lòng khách du lịch thì chưa hẳn. Trực tiếp làm du lịch, họ đang phục vụ khách rất tốt. Người Huế cẩn thận, chu toàn trong công việc, hầu như khách đã đến nhà hàng, khách sạn ở Huế thì đều hài lòng. Nhưng đúng là nhiều người dân chưa quan tâm đến điều này, bởi quan niệm họ là người “bên lề”, không liên quan đến ngành du lịch.

Ngay cả một số người đang làm du lịch, mưu sinh bằng những đồng tiền mà du khách trả, lại đang làm xấu đi hình ảnh của Huế. Không khó để bắt gặp những đoàn xích lô, mặc kệ đèn vàng, đèn đỏ cứ thế cho xe đi. Hay những đoàn xích lô dàn hàng ba, hàng tư, chiếm hết nửa con đường Lê Lợi, nhìn chẳng đẹp mắt chút nào. Đó là những hành vi đang làm xấu đi hình ảnh của Huế. Được biết, các hội, nhóm xích lô ở Huế cũng có qua tập huấn hẳn hoi. Phải chăng, cách làm thiếu hiệu quả và quan trọng hơn thiếu những người giám sát. Đã có nhiều ý kiến của những người làm du lịch, trách các cơ quan quản lý giao thông gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, xử phạt nặng tay. Trong khi đó, hành vi của họ thiếu sự văn minh và vi phạm luật pháp.

Phải có kế hoạch cụ thể

Trong lần góp ý phát triển du lịch Huế 2017 mới đây, TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Thừa Thiên Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế cho biết, trong kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch khu vực miền Trung do tổ chức EU tài trợ, qua tham khảo từ một địa phương, mới thấy vì sao họ có nhân lực tốt đến như vậy. Đó là vì họ có kế hoạch rất cụ thể, được cấp kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ du lịch cho người dân. Còn ở Huế, chưa có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể nào và khó khăn lớn hơn là không có kinh phí cho những lớp đào tạo này.

Dịch giả Bửu Ý góp ý, có hai cái mà Huế cần làm trong thời gian đến là về hạ tầng và thượng tầng. Riêng về thượng tầng có 2 việc vô cùng quan trọng mà ta làm chưa được là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và kiến thức về văn hóa Huế của người dân và đội ngũ làm du lịch. “Không hiểu vì sao trình độ tiếng Anh của họ ngày càng đi lùi, trong khi, các dự án dạy tiếng Anh của họ rất đồ sộ. Lâu nay, khi đến các nơi chuyên phục vụ khách du lịch, tôi chưa bao giờ nghe nhân viên chào và mời khách ngồi cho đúng. Cho nên, làm tốt hai đều này sẽ nâng cao chất lượng phục vụ khách rất nhiều”, dịch giả Bửu Ý cho hay.

Trong xu hướng phát triển của du lịch, để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ngoài những sản phẩm của doanh nghiệp, huy động sức dân cùng tham gia hoạt động du lịch là điều tất yếu. Có ý kiến cho rằng, Huế là vùng đất Kinh kỳ, người Huế vẫn còn nặng suy nghĩ  mình là người “được” phục vụ chứ không phải người phục vụ. Quan niệm này đã ăn sâu và khó thay đổi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh, điều này hoàn toàn làm được nếu có quyết tâm và không cứng nhắc trong cách làm. Chẳng hạn, như để tiểu thương chợ Đông Ba phục vụ khách tốt hơn thì Ban Quản lý chợ thường xuyên mở lớp tập huấn, mời những chuyên gia, những người có chuyên môn về giảng dạy, phân tích, chắc chắn qua thời gian họ sẽ thay đổi.

Theo Đức Quang (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày