Mục tiêu của giải ngoài việc tạo một sân chơi lành mạnh và giúp gia tăng cơ hội giao lưu cho các doanh nhân tại Tân Bình, Tân Phú và các quận lân cận, còn hướng đến việc gây quỹ ủng hộ đồng bào nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế.
Đây cũng là địa phương cung cấp nguyên liệu để Dầu tràm Cung Đình được khách hàng khắp nơi ngày càng ưa chuộng trong những năm gần đây.
Công ty CP Dầu tràm Cung Đình ra đời được 4 năm thì cũng có 4 năm giải tennis từ thiện mà Cung Đình là nhà tổ chức kiêm nhà tài trợ. Năm 2016 này, giải đã bắt đầu có hơi hướng "bán chuyên nghiệp" khi yêu cầu các cặp đôi thi đấu phải đạt trình tổng điểm 1.220 (trình tối đa 700) và có dung sai 15-25 điểm nếu là VĐV của đơn vị tài trợ Đồng trở lên.
Dựa vào bảng điểm của hai diễn đàn www.tennisdoanhnhan.com và www.viettennis.vn để lọc nhưng BTC cũng linh hoạt xác định điểm số nếu VĐV chưa có bảng điểm và có yêu cầu tính điểm.
Qua 3 lần tổ chức thành công và gầy dựng được uy tín ban đầu, đến lần giải diễn ra vào ngày 18/12/2016 này, lượng VĐV đã tăng vọt lên gần 100 cặp và sẽ cùng nhau thi đấu để tranh các giải thưởng có giá trị. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng là hầu hết các VĐV đoạt giải cao đều dùng toàn bộ tiền thắng giải đóng góp cho quỹ từ thiện được lập ra ngay trước thời điểm thi đấu.
Theo thông báo từ anh Ngô Văn Cường (Chủ tịch Cty CP Dầu tràm Cung Đình, trưởng BTC giải) thì tới trước ngày thi đấu một tuần, quỹ đã nhận được gần 150 triệu đồng gồm cả tiền tài trợ giải đấu và tiền đóng góp cho công tác từ thiện.
"Chúng tôi hy vọng vào ngày thi đấu, các VĐV và bạn bè sẽ có các đóng góp khác nữa. Điều này rất quan trọng vì nó không những nâng cao ý nghĩa nhân văn của giải đấu mà còn giúp chúng tôi gia tăng số lượng tiền và quà để giúp đỡ được nhiều hơn cho một số đồng bào còn khó khăn tại Thừa Thiên Huế", anh Cường cho biết.
Tại một phát biểu khác, anh Nguyễn Tấn Anh - Trưởng đoàn Bóng đá HAGL, Phó BTC giải cho biết: "Điều thú vị ở giải qua các năm là càng về cuối, tiền tài trợ về càng nhiều mà gần như là tiền túi của các cá nhân nên tất cả mọi người đều cảm thấy rất vui vẻ. Ngoài ra, trong trường hợp chi phí cho giải bị đội lên khiến tiền làm từ thiện ít đi, thì anh Cường cũng sẵn sàng lấy thêm tiền của cá nhân để bù vào, không để đối tượng thụ hưởng bị thiệt thòi".
Đồng hành với giải đấu, anh Mai Quốc Bảo (Công ty trà vả Lộc Mai: chuyên cung cấp các sản phẩm Trà Vả - Một đặc sản của xứ Huế) cũng có những đóng góp tích cho giải.
Gặp chúng tôi tại cụm sân Quốc Hùng, anh Đinh Hồng Ân, trưởng sân 270 Lý Thường Kiệt chia sẻ: "Anh Cường là người gốc Huế làm ăn thành đạt nhưng không bao giờ quên nguồn cội. Không chỉ định kỳ vào mỗi dịp cận Tết mà trong năm, bất kỳ một khi nào đó nhận được thông tin người ngoài miền Trung gặp khó khăn hoạn nạn, anh lại tổ chức các giải quần vợt mini và thu tiền tại sân để chuyển đi giúp người khác. Anh Cường cũng là "đầu mối" viết bài về các mảnh đời bất hạnh để gửi đăng báo nhằm tìm kiếm các Mạnh Thường Quân khắp nơi giúp đỡ. Vì thế mỗi lần ảnh hô hào làm giải là chúng tôi hết sức phấn khởi".
Điều anh Ân nói có thể xem như một tổng kết nhỏ về chặng đường mà những "người con, người bạn của Huế" đang đi. Tuy thầm lặng nhưng bền bỉ và thấm đượm tình người.