Theo tư liệu lịch sử thì vào năm Giáp Tuất (1814), vua Gia Long cùng một số quần thần đến xã Thanh Tuyền (tức làng Thanh Thủy ngày nay) để xem xét dân tình vừa bị nạn nước mặn xâm hại. Khi đến nơi, vua quan sát hình thế và cho mời các phụ lão đến dụ bảo về công việc khơi đào dòng sông An Cựu. Các phụ lão thưa rằng: "Đời xưa có ngòi lạch để phòng nắng lụt mà chứa lại tháo đi. Nay khai sông này, thực có lợi cho nông dân lắm".
Mộc bản khắc nội dung về vua Minh Mạng đổi tên sông An Cựu thành sông Lợi Nông
Sau khi tỏ rõ ý các bô lão, vua Gia Long lập tức sai dinh thần Quảng Đức khám xét, đo đường sông để khai đào theo ước nguyện của Nhân dân trong vùng. Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục, quyển 48, mặt khắc 14 có chép: "Đào sông An Cựu (tức là sông Lợi Nông ngày nay, ở bờ phía nam sông Lương dọc đến xã Thần Phù giáp phá Hà Trung". Ngoài ra, Thế tổ Cao hoàng đế còn cho đắp đập Thần Phủ ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực này.
Để thực hiện công việc đào sông An Cựu, vua Gia Long đã huy động một lực lượng lớn dân công gồm 1 vạn 3 nghìn quân và dân dinh Quảng Đức ngày đêm ra sức làm việc. Mặt khác, vua Gia Long cũng chi mạnh tay một nguồn ngân sách lớn là 130.400 quan, gạo cũng ngang thế để dòng sông chóng được lưu thông, dân được tiện lợi. Trong khoảng 6 năm, từ lúc khởi công đến một thời gian sau khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820), công việc đào sông An Cựu được hoàn thành.
Năm Tân Tỵ 1821, nhận thấy dòng sông này đã góp phần giải quyết vấn đề tiêu thủy cho vùng ruộng ô đầm thuộc các xã chung quanh, đồng thời cung cấp nước tưới cho các vùng ruộng cao, vua Minh Mạng đã sắc cho đổi tên sông An Cựu thành sông Lợi Nông. Trong Mộc bản triều Nguyễn, quyển 7, mặt khắc 13 còn khắc: “Cho gọi sông An Cựu là sông Lợi Nông. Vua xem bản đồ Kinh thành, bảo thị thần rằng: “Xưa, tiên đế cho đào con sông ấy, người nông dân được nguồn lợi muôn đời, bèn lấy tên là Lợi Nông mà ban cho, sai dựng bia đá đặt ở phía trên và phía dưới cửa sông để ghi nhớ.
Việc đào sông An Cựu đã mang lại sự phát triển kinh tế trông thấy cho mảnh đất này. Ngoài nhiệm vụ “Lợi Nông” như tên gọi, dòng sông An Cựu còn góp phần giúp cho giao thông đường thủy được thuận tiện. Kể từ khi sông được đào xong, thuyền bè chở các thủy, thổ sản cũng như lâm sản địa phương từ các huyện Phú Lộc, Hương Thủy đi, về các chợ An Cựu, Đông Ba tấp nập hẳn lên. Lúc bấy giờ, sông Lợi Nông đã trở thành thủy lộ huyết mạch của Kinh đô. Đến mùa thu, năm 1830, vua Minh Mạng đã cho xây đắp thêm 24 cống đá ở hai bờ sông cho vững chắc.
Vua Minh Mạng cho xây đắp thêm 24 cống đá ở hai bờ sông An Cựu
Năm 1837, vua Minh Mạng ra lệnh cho khắc hình tượng sông Lợi Nông vào Chương đỉnh cùng với các hình tượng khác như: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông và súng điểu thương.
Ngày nay, đến với xứ Huế thơ mộng, đứng trên cầu An Cựu du khách sẽ thấy hình dáng một dòng sông uốn lượn, thơ mộng, đôi bờ xanh ngắt cây xanh, khó ai tưởng tượng được con sông đó tốn rất nhiều công sức của quân dân và vua quan triều Nguyễn một thời.