Tấm Dèng - bản sắc và tài hoa
Lượt đọc: 90892Thời gian: 17:56 - 30/01/2017

(VHH) - Ở Thừa Thiên Huế, với người dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều, khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo những tấm Dèng (thổ cẩm) là bằng chứng của tài hoa, sự khéo léo, nết chăm chỉ... làm của hồi môn.

Nghề dệt Dèng đã ăn sâu vào tập quán của đồng bào nhiều dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế. Nó được coi là một chuẩn mực với cô gái chưa chồng.

Nếu đến huyện miền núi A Lưới, du khách thường bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ thướt tha trong bộ váy Dèng đủ màu sắc với hoa văn đặc trưng của các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu.

Theo các nghệ nhân, nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới lưu truyền qua nhiều thế hệ và được chú trọng bảo tồn, phát triển.

Với nghề dệt Dèng, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi khi con gái lớn lên, ai cũng phải biết dệt những tấm Dèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại.

Đến tuổi lấy chồng, khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo những tấm Dèng làm của hồi môn, còn nhà trai mang trâu, bò đến cho nhà gái.

Ngoài phục vụ cho nhu cầu của mình, cô dâu còn phải dệt được những tấm Dèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng. Điều này được coi là thước đo sự khéo léo, chăm chỉ, tận tâm.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Hồ Thị Tư (huyện A Lưới), mỗi tấm zèng là thành quả kết tinh quá trình lao động sáng tạo của cả cộng đồng.

Nguyên liệu để tạo nên sản phẩm này là những cây bông được đồng bào trồng trên rẫy, qua nhiều công đoạn như phơi khô, tách lấy bông, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi... Khi đã có sợi vải, người ta sẽ nhuộm màu bằng các loại lá, vỏ, củ, rễ cây khai thác từ núi rừng, gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng. Sau đó phơi khô rồi cuộn lại thành búp để dệt.

Khi dệt xong, trên nền vải, người phụ nữ khéo léo điểm những hạt cườm, quả rừng... thành hoa văn vừa đẹp mắt vừa chứa đựng những biểu tượng về đời sống cộng đồng.

Hoa văn trang trí của người Tà Ôi được chia theo 3 chủ đề (động, thực vật, thiên nhiên và đồ vật), chủ yếu được tạo nên từ những hạt cườm gắn trên mặt Dèng. Đây chính là điểm khác biệt so với sản phẩm dệt thổ cẩm ở các khu vực khác.

Nghề dệt Dèng của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới vừa mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc, vừa giúp một bộ phận người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.

Sản phẩm từ Dèng là thắt lưng, khố, váy liền, áo, váy rời, quần, túi xách, túi đựng điện thoại... do tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào và khách du lịch yêu thích.

Hiện nay, ở huyện A Lưới đã có nhiều hợp tác xã sản xuất Dèng quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã A Đớt, xã Nhâm, xã A Roàng. Ở một số bản làng mọi nhà đều tham gia dệt Dèng.

Với giá từ 600.000-700.000 đồng/tấm (loại thường) và từ 1-1,5 triệu đồng/sản phẩm đính cườm, ngày càng có nhiều người theo nghề và sống được với nghề.

Do có sản phẩm Dèng đặc trưng, huyện A Lưới đã tổ chức một số mô hình du lịch cộng đồng kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour. Khách du lịch đến đây không chỉ được tham quan làng, bản mà còn được tận mắt chứng kiến các cô gái trổ tài dệt Dèng...

Mùa xuân này, đất và người A Lưới vui hơn bởi nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi vừa được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Việc tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của nghề dệt Dèng sẽ nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống này.

Theo Thế Phong (VGP News)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày