Phát triển thành phố Huế theo hướng hài hòa, bền vững
Lượt đọc: 107179Thời gian: 07:55 - 23/05/2014

         (VHH) - "Đô thị Thừa Thiên Huế sẽ không xây dựng một đô thị với những tòa nhà cao tầng, những KCN tiếp nối, mật độ dân cư đông đúc, mà phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ làm động lực phát triển", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho biết tại hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển Huế - Đô thị di sản văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á diễn ra sáng ngày 22/5 tại Hà Nội.

Hội thảo này được tổ chức với sự phối hợp giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam...
Thừa Thiên Huế là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, là nơi hôi tụ, giao thoa của nhiều của nhiều nền văn hóa Bắc, Nam. Ngay từ năm 1636, khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long đã đánh dấu bước khởi đầu phát triển đặc biệt của Huế. Đến triều đại Tây Sơn cũng như các triều vua Nguyễn, Huế trở thành Kinh đô của nước Việt Nam.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế còn là một trong những trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam với 2 di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có vịnh Lăng Cô được đánh giá là một trong những vịnh đẹp và hấp dẫn nhất thế giới.
 
 
Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nằm trên trục giao thông xuyên Bắc - Nam: QL1A, đường sắt, đường Hồ Chí Minh, trục hành lang Đông - Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan theo đường 9, thông qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, nên Thừa Thiên Huế có một vị chí địa chiến lược quan trọng. Bên cạnh đó, thành phố Huế cùng với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - thành phố Đà Nẵng được xem là một trong những trung tâm lớn trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Với vị trí chiến lược như trên, Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng và với cả nước. Đánh giá về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: "Tọa độ địa lý đặc biệt này quy định trước vị thế địa - kinh tế, vai trò chức năng đặc thù của tỉnh trong quá trình phát triển của Vùng kinh tế mà Thừa Thiên Huế tham gia với tư cách thành viên".
Cũng theo PGS.TS Thiên, lựa chọn phát triển dịch vụ - du lịch là chiến lược ưu tiên xuất phát từ yêu cầu phát huy thế mạnh riêng của tỉnh, đồng thời cũng là một lựa chọn chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tăng cường liên kết, chú trọng dịch vụ, du lịch một cách có chiến lược không những sẽ tạo động lực phát triển cho Thừa Thiên Huế mà còn cho cả các tỉnh tham gia liên kết.
Đồng tình với quan điểm phát triển một cách hài hòa, bền vững mà Thừa Thiên Huế đang tập trung hướng tới, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định rằng, vì là đô thị đặc thù về văn hóa, du lịch, sinh thái nên khi tổ chức đô thị, Thừa Thiên Huế không nên tập trung nhà cao ốc, dân cư cần phân tán theo mô hình nhà vườn sinh thái. Ngoài ra, quy hoạch thành phố Huế cần liên kết các đô thị nhỏ được bố trí hài hòa như Hương Trà, Hương Thủy, Lăng Cô - Chân Mây, A Lưới...
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy hơn nữa vị trí, vai trò chiến lược của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trần Đình Hà (Xây dựng)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày