(VHH) - Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung khảo sát, xác lập và xây dựng danh mục các lớp dữ liệu chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng quy định về cập nhật, khai thác, quản lý và tích hợp dữ liệu trên nền GIS một cách hệ thống, đồng bộ, an toàn, bảo mật và đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo đó, danh mục các lớp dữ liệu đã được thống nhất xây dựng gồm 4 nhóm lớp gồm: Dịch vụ du lịch, Tài nguyên du lịch nhân văn, Tài nguyên du lịch tự nhiên và Số liệu du lịch. Trong đó, nhóm lớp Dịch vụ du lịch gồm các lớp: Ẩm thực - Nhà hàng; Giải trí; Mua sắm hàng lưu niệm; Lưu trú; Lữ hành; Dịch vụ vận chuyển; Khu du lịch; Trung tâm du lịch; Tour tuyến du lịch. Nhóm lớp Tài nguyên du lịch nhân văn gồm: Quần thể di tích cố đô Huế; Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; Bảo tàng; Đình, đền, miếu; Chùa, nhà thờ; Nhà vườn, nhà rường; Làng nghề; Lễ hội. Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm: Vườn quốc gia; Biển, đầm phá; Suối, thác; Sông, hồ; Đồi, núi. Nhóm lớp Số liệu du lịch gồm: Dự án du lịch; Số liệu thống kê du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã giao trách nhiệm cho các phòng nghiệp vụ khảo sát, thu thập và cập nhật số liệu GisHue chuyên ngành theo các lớp và nhóm lớp đã được phân công. Ngoài việc cập nhật các lớp, nhóm lớp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cập nhật các nguồn dữ liệu từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành do Sở thực hiện như: Cơ sở dữ liệu ẩm thực Huế; Cơ sở dữ liệu văn hóa du lịch, Ngân hàng tên đường phố...
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức tập huấn cho Tổ nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu GisHue chuyên ngành để giới thiệu về Hệ thống thông tin dữ liệu điện tử phiên bản 2.0 và triển khai kế hoạch cập nhật dữ liệu, trong đó tập trung hoàn thiện cấu trúc cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cập nhật dữ liệu lên cổng thông tin địa lý, quản trị, phân quyền khai thác và kế hoạch khai thác.
Việc xây dựng quy định quản lý CSDL chuyên ngành nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn trong việc quản lý, cập nhật, khai thác CSDL ngành. Đồng thời qua đó, phân công vai trò, trách nhiệm cụ thể cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở trong việc quản lý, cập nhật đến từng nhóm, các lớp dữ liệu cụ thể, nhằm tránh sự chồng chéo trong khâu quản lý, trao đổi, tích hợp dữ liệu của ngành.
GISHue có vai trò rất quan trọng trong công tác chuyên môn, hỗ trợ công tác điều hành, quản lý và hoạch định chính sách, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, bên cạnh đó, tạo điều kiện để toàn xã hội có điều kiện tiếp cận, khai thác, ứng dụng nguồn tài nguyên GIS đối với nhu cầu đời sống xã hội.