Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, các loại hình lễ hội được tổ chức với tần suất cao, mật độ dày. Việc tổ chức lễ hội còn thiếu tính sáng tạo và hấp dẫn, gây quá tải ở một số diểm di tích, khu danh thắng, nơi tổ chức lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều bất cập. thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa tốt. Tình trạng đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến; vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng không tốt mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng. Việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Việc mời khách và một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tham dự lễ hội chưa thực hiện tốt các quy định đã ban hành.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở còn buông lỏng, thiếu sâu sát, kiên quyết; những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội không được ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời.
Trước tình hình trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với tuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội đón Tết Nguyên đán, vui Xuân Ất Mùi, các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2015 và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.
2. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, không tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
3. Giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Thực hiện nghiêm việc quản lý đốt hàng mã; quản lý, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội.
4. Tăng cường các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về nội dung Chỉ thị này; định hướng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, cổ vũ, nêu gương các cơ sở, cá nhân gương mẫu thực hiện tốt, đồng thời phê phán cơ sở, cá nhân thực hiện không tốt các quy định về quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị khóa 8 và 5 năm thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị khóa 10 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị khóa 8 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
6. Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc và xu thế phát triển của thời đại; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các địa phương, cơ sở, cá nhân có sai phạm trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội.
7. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này trong địa phương, đơn vị, tổ chức và đoàn thể mình. Ban Tuyên giáo Trung ương theo dõi và kịp thời báo cáo Ban Bí thư việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.