Đô thị ngày càng khang trang
Ngày từ đầu năm, tỉnh đã triển khai quyết liệt chương trình chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó chú trọng công tác quy hoạch xây dựng, nâng cấp đô thị và đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị mới Thanh Hà, huyện Quảng Điền đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị mới Vinh Hiền đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Sịa; Quy hoạch chung đô thị mới Phong An, huyện Phong Điền đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị mới Điền Lộc, huyện Phong Điền đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phong Điền.
Công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách sâu rộng và đồng bộ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp, các cộng đồng dân cư để mọi người nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đặc biệt, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên gương mẫu trong việc thực hiện các quy định liên quan đến tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội để làm gương cho quần chúng nhân dân. Thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Triển khai các nội dung về nếp sống văn minh đô thị vào sinh hoạt của cơ quan để cán bộ, công chức, viên chức biết và thực hiện. Đến nay, 100% các đơn vị đã đưa các tiêu chí về nếp sống văn minh đô thị vào chỉ tiêu thi đua bắt buộc trong bình xét thi đua hàng năm.
Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, đã cơ bản hoàn thành nâng cấp dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ, tôn tạo sông Ngự Hà. Đối với dự án giải tỏa Thượng Thành - Eo Bầu: Đã di dời giải tỏa 79 hộ chính, 87 hộ phụ. Trong đó: 59 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; 53 hộ đã giao đất tái định cư với 62 lô đất và 10 hộ/79 hộ số hộ đã bàn giao mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Hoàn thành Dự án thoát nước đường Nguyễn Khoa Chiêm, điện chiếu sáng trang trí đường Lê Lợi, Lê Duẩn. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án chỉnh trang hai hồ Võ Sanh và Tân Miếu. Cơ bản đã hoàn thành chỉnh trang Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục nâng cấp, mở rộng đường nội thị của 2 thị xã Hương Thủy và Hương Trà. Các huyện đều ưu tiên nguồn lực chỉnh tranh các thị trấn, tạo diện mạo đô thị trung tâm huyện văn minh, khang trang.
Du lịch chuyển biến tích cực
Hoạt động du lịch năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2015, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đã tổ chức thành công Festival nghề truyền thống Huế 2015 lần thứ 6 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" với nhiều chương trình đặc sắc, hấp dẫn góp phần phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, lượng khách đến Huế ước đạt 3,25 triệu lượt, tăng 11,8%; doanh thu du lịch đạt gần 3.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2014; lượng khách du lịch tàu biển đến Huế qua cảng Chân Mây ước đạt 75.000 lượt, tăng 70,5% so với năm 2014.
Ngành du lịch đã tổ chức, đón nhiều đoàn Famtrip đến từ các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh Tây Bắc; Bắc Mỹ, Đông Bắc Thái Lan, Indonesia... để quảng bá điểm đến và giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề. Đã đã chính thức mở đường bay mới Huế - Đà Lạt. Đã tổ chức thành công các chuyến bay charter Bangkok - Huế; đang tiếp tục xúc tiến mở chuyến bay Huế - Nha Trang và ngược lại (dự kiến bay vào đầu tháng 3/2016).
Công tác đào tạo lao động du lịch được quan tâm. Đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, niêm yết giá dịch vụ; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp; phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch để đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch an toàn, ngăn chặn tình trạng đeo bám khách, nâng giá, ép giá tùy tiện.
20 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới"; thường xuyên tuyên truyền các nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới sâu, rộng đến tận thôn, bản, điểm dân cư; tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia thực hiện. Từ nguồn vốn trực tiếp xây dựng nông thôn mới của Trung ương là 71 tỷ đồng (Bao gồm 28 tỷ đồng ứng trước trong năm 2014), Tỉnh đã phân bổ cho 37 xã với 75 hạng mục công trình thiết yếu thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã đạt đầy đủ tiêu chí năm 2015, các địa phương đã triển khai thực hiện các công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Bao gồm: Bố trí kinh phí 34 hạng mục công trình chuyển tiếp của năm 2014 và khởi công mới 41 hạng mục công trình.
Năm 2015, đã có 12 xã được phê duyệt công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh đã được công nhận là 18 xã; dự kiến đến cuối năm 2015 số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh là 20 xã, đạt tỷ lệ 21,7%. Có 33 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 37 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2015 dự ước đạt 23,01 triệu đồng, tăng 81,6% so với 2010 (12,6 triệu đồng), tốc độ tăng bình quân đạt 12,8%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 còn 5,94 % đến cuối năm 2015. Bình quân giảm 1,8 % /năm.
Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, đã giải quyết việc làm mới cho gần 13.000 lao động, đạt 80,2% kế hoạch; Đào tạo cho 815 lao động nông thôn về kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Hạ tầng kinh tế-kỹ thuật phát triển theo hướng đồng bộ
Trong năm 2015, các dự án của Trung ương làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế: Dự án Quốc lộ 1A đoạn Phong Điền - La Sơn, dự án Quốc lộ 1A đoạn La Sơn - Lăng Cô, dự án hai hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đã thông xe kỹ thuật ngày 31/10/2015, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015; dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đang đền bù GPMB (đã bàn giao được 30km/36km), thi công được khoảng 22% khối lượng. Đã hoàn thành dự án nâng cấp cầu cảng số 1 Chân Mây phục vụ đón tàu du lịch cỡ lớn. Hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý kết nối trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được nâng cấp, phát triển. Hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó hoàn thành 90% đường trục chính cảng Chân Mây.
Hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải được quan tâm đầu tư, trong đó tiếp tục thực hiện dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến giai đoạn 2020 nguồn vốn ODA (ADB) tổng mức đầu tư 81,54 triệu USD. Nhà máy nước Phong Thu đã được đầu tư hoàn thành. Hoàn thiện hệ thống thiết chế khoa học công nghệ. Tiếp tục đầu tư tăng cường khả năng kiểm định, thử nghiệm chất lượng chất lượng hàng hóa, sản phẩm, phấn đấu đáp ứng 70% nhu cầu kiểm định trên địa bàn. Xúc tiến vận động xây dựng Khu công nghệ cao và Bảo tàng thiên nhiên duyên hải Miền Trung giai đoạn 1 - "Rừng mưa nhiệt đới".
Có thể nói, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong năm 2015, kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững và giữ được mức tăng trưởng hợp lý. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước hoàn thiện. Bộ mặt đô thị thành và nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Sự đổi thay này, một lần nữa khẳng định những quyết sách đúng đắn, hướng đi phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó việc xác định và triển khai thắng lợi các chương trình trọng điểm đã góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH tỉnh nhà.