Khai mạc Hội thảo quốc tế “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14
Lượt đọc: 4696Thời gian: 09:25 - 03/08/2023

Sáng ngày 01/8, tại Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, Sở Văn Hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức Engaging With Vietnam (EWV), Trường Đại học Nghệ thuật Huế thuộc Đại Học Huế, cùng một số đơn vị trong nước và quốc tế đã tổ chức buổi lễ khai mạc Hội thảo quốc tế “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14. Hội thảo này được xem là một Festival Khoa học - Nghệ thuật nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023. Đến tham dự buổi lễ, về phái đại phương đăng cái có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, đồng chí Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT, về phía tổ chức EWV có GS.TS Phan Lê Hà và GS Kelly Liam là hai nhà đồng sáng lập của tổ chức và đặc biệt là sự có mặt của hơn 530 đại biểu trong và ngoài nước.

 
Hội thảo Kết nối với Việt Nam- Engaging With Vietnam là chuỗi hội thảo học thuật thường niên, mỗi năm hội thảo sẽ tập trung sâu vào một chủ đề bên cạnh các chủ đề khác phản ánh tính đa ngành và liên ngành của EWV. Hội thảo EWV lần thứ 14 tại Huế sẽ tập trung vào chủ đề di sản. Tiêu đề Hội thảo “Living with Heritage, (Re)creating Heritage: Vietnam and the World” (Sống Cùng Di Sản, Tái Tạo/Tạo Di Sản: Việt Nam và Thế Giới). Đến nay, đã có hơn 500 đại biểu đăng ký tham dự hội thảo, trong đó có khoảng 320 tham luận đăng ký trình bày.
 
 
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, khẳng định với bề dày lịch sử của vùng đất cố đô, Huế mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Sức hấp dẫn, cuốn hút của Huế không chỉ ở vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của những di sản văn hóa độc đáo, mà còn là những nét riêng trong lối sống, vẻ đẹp trong tâm hồn của con người nơi đây đã góp phần làm nên phong vị riêng của mảnh đất Huế.
 
Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á đang sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh.
 
Trong thời gian qua, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Huế đã đóng góp cho Việt Nam những giá trị quý báu, là hình ảnh thân thiện mến khách. Tỉnh xác định văn hóa là cầu nối phát triển bền vững và luôn chú trọng các sản phẩm gắn với thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Thành phố của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ và gắn với định hướng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
 
 
Thông qua Hội thảo “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14, hy vọng sẽ có những đóng góp sáng kiến, cùng thảo luận một cách chân tình, khoa học về chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, và các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh xã hội đương đại, góp phần lan tỏa những giá trị và hình ảnh Cố đô Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
 
Hội thảo được chia làm 65 phiên (panel) được trình bày song song và 10 phiên toàn thể. Bên cạnh đó có nhiều các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, và biểu diễn sẽ diễn ra trong suốt thời gian hội thảo và kéo dài sau đó, đặc biệt là chương trình triển lãm áo dài và di sản Phong Y Yến tổ chức tại Cung An Định; chương trình sắp đặt và đêm thơ tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Bảo tàng Mỹ thuật Huế; biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ, và Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế thuộc Đại học Huế.
 
 
Ngoài ra, các hoạt động của hội thảo còn diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cung An Định, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường đại học Nghệ thuật Huế và một số di tích, danh thắng của tỉnh Thừa Thiên Huế (Kinh thành, hoàng thành, lăng vua Gia Long, đàn tế Nam Giao, chợ Đông Ba, tuyến phố Lê Lợi...).
svhtt.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày