Để thúc đẩy sáng tạo "kết quả"
Lượt đọc: 90207Thời gian: 14:04 - 16/01/2017

(VHH) - Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo đã góp phần thúc đẩy giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có thêm điều kiện sáng tác, công bố tác phẩm quy mô, chất lượng cao. Để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn, dưới góc nhìn của mình, nhà văn Nguyễn Khắc Phê có một vài ý kiến đóng góp, xin giới thiệu đến bạn đọc:

Xác định "tiêu chí"

Đây là vấn đề không dễ, vì lĩnh vực VHNT không có công cụ để "cân đo đong đếm" chính xác thế nào là quy mô, là chất lượng cao và nó lại còn tùy quan niệm, tùy thời. Ví như một tập thơ hoặc một chùm ca khúc hay về tình yêu có được xem là tác phẩm VHNT quy mô, chất lượng cao hay không? Nhưng dù sao, cơ quan quản lý VHNT cũng cần nêu ra một số "tiêu chí" để văn nghệ sĩ hướng tới.

Ngoài ra, mọi đề tài trong cuộc sống đều được xem xét, hay chỉ chú trọng đề tài phản ánh hai cuộc kháng chiến của dân tộc và công cuộc Đổi mới đất nước 30 năm qua? Và có quy định chỉ xem xét tác phẩm viết về Thừa Thiên Huế và người Huế hay được mở rộng?

Với quan điểm cá nhân, đề nghị cần có cách nhìn cởi mở hơn, vì nếu giới hạn đề tài và phạm vi phản ánh, một số tác phẩm có khả năng có chất lượng cao sẽ không được đưa vào diện xem xét đầu tư.

Cụ thể hơn, nhà văn Trần Thùy Mai đang viết kịch bản nhiều tập về bà Từ Cung, hay Magie Phạm cũng đang viết kịch bản nhiều tập dựa theo mấy cuốn tiểu thuyết của cô; cuốn sách "Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại" - Chuyên luận Phê bình & Nghiên cứu văn học” của Trần Huyền Sâm (NXB Phụ nữ, 2016) đang được dư luận chú ý không liên quan đến Thừa Thiên Huế thì liệu có được xem xét không? Trước đó, một chuyên luận dày dặn của nhà văn trẻ - TS Phan Tuấn Anh về nhà văn đoạt giải Nobel G. Mác-ket càng "xa" các đề tài và phạm vi phản ánh nêu trên, liệu có được xem xét không?

Trách nhiệm của cơ quan quản lý & văn nghệ sĩ

Để công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm VHNT quy mô, chất lượng cao trong thời gian tới đạt hiệu quả, có lẽ, ngành chức năng cần đề ra các “tiêu chí” đã nêu trên, dựa vào yêu cầu của nền VHNT tỉnh nhà và ý kiến của các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Từ đó, có thể nêu ra những yêu cầu cụ thể hơn, ví như, cần có tác phẩm thể hiện sâu sắc quá trình thay đổi của nông thôn và nông dân Thừa Thiên Huế trong hội nhập và phát triển; hoặc với đề tài hai cuộc kháng chiến thì cần viết về giai đoạn Huế ngày đầu Cách mạng Tháng 8 và thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chú trọng nét đặc trưng chỉ Huế mới có là các gia đình hoàng tộc và quan lại cũ đã đi theo Chính phủ Cụ Hồ...

Biểu diễn trích đoạn vở ca kịch "Vụ án Lệ Chi Viên" - TP sân khấu xuất sắc

Dù sao, đây là những yêu cầu chung trong khi VHNT hình thành từ sáng tạo cá nhân nên bước tiếp theo, từng hội chuyên ngành phải đánh giá khả năng, điều kiện sáng tác của mỗi hội viên, để có thể gợi ý và đặt hàng cụ thể. Phải xác định được người từng trải, còn đam mê sáng tác là ai? Các cây bút trẻ có tiềm năng là ai? Những người không phải hội viên, nhưng có vốn sống, vốn văn hoá "giàu có", vào một thời điểm nào đó, vẫn có thể sáng tác không thua gì các cây bút chuyên nghiệp...

Về phía hội viên, mỗi người, tùy khả năng của mình, mạnh dạn đăng ký kế hoạch sáng tác dài hơi với cơ quan Hội để có thể nhận được sự đầu tư cần thiết. Ở đây có một vấn đề tâm lý cần quan tâm: các hội viên dễ dàng đề nghị được đầu tư với mức "dàn đều" như các hội viên khác, nhưng rất ngại đăng ký kế hoạch thực hiện tác phẩm có quy mô; không chỉ vì ngại mang tiếng "chơi trội" mà trong VHNT, từ ý định đến việc hoàn thành tác phẩm là một khoảng cách rất xa, sợ rồi "nói trước bước không qua".

Từ hiện trạng vừa nêu, liệu có thể nghĩ đến một phương thức khác là hỗ trợ sau khi tác phẩm đã hoàn thành, được một hội đồng chuyên môn đánh giá là tác phẩm có quy mô và chất lượng cao. Sự hỗ trợ này sẽ có tác dụng thúc đẩy văn nghệ sĩ tiếp tục có tác phẩm mới để xứng đáng với sự quan tâm của Hội và Nhà nước.

Điều cần nói thêm, trong lĩnh vực VHNT, yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên tác phẩm là tài năng, ý chí và sự bền bỉ lao động cũng mỗi cá nhân; do đó, không nên quá kỳ vọng và nghĩ rằng, hễ có đầu tư nhiều thì sẽ có tác phẩm lớn; chỉ nên xem đây là một biện pháp góp phần thúc đẩy văn nghệ sĩ hướng tới việc sáng tạo những công trình, tác phẩm có quy mô, có chất lượng cao, đáp ứng được sự trông đợi của công chúng...

Về thể loại, trong văn học, nếu xét theo tiêu chí quy mô thì có cần nói rõ là ưu tiên trường ca (về thơ), tiểu thuyết (văn xuôi) chuyên luận về những vấn đề, những giai đoạn lớn trong phong trào VHNT Việt Nam (thể loại nghiên cứu phê bình) chứ không phải là những bài lẻ gộp lại. Tương tự, trong âm nhạc thì đó là các bản giao hưởng... Nếu như vậy, các tập thơ, các tập truyện ngắn như thế nào mới được xét đến? 

Về dung lượng, ví như tiểu thuyết, công trình nghiên cứu tối thiểu bao nhiêu trang, tập thơ phải có ít nhất bao nhiêu bài hay một ca kịch phải diễn trong mấy giờ...

Các tiêu chí nói trên chỉ là về hình thức, chỉ để bước đầu xem xét và rất nên "co giãn", nhất là đối với những tác phẩm khi đã được đánh giá là có giá trị nghệ thuật. Mặt khác, trong tiến trình đổi mới VHNT hiện nay, chưa hẳn một tiểu thuyết có tính sử thi đã được dư luận chú ý bằng một tập truyện ngắn có nhiều sáng tạo về nghệ thuật.

 

Theo Nguyễn Khắc Phê (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày