Nằm cách thành phố Huế 7km về phía Tây, tại vùng núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây, thành phố Huế, trung tâm được xây dựng thể hiện sự tri ân của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với vị công chúa thời Trần, người cách đây hơn 700 năm trước đã có công lớn, mang về cho nước Việt hai châu Ô Lý (trong đó có Thừa Thiên Huế ngày nay).
Công trình bao gồm đền thờ và tượng đồng bà Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa Bình, hệ thống đường dạo, công viên trong khuôn viên rộng 28ha. Trung tâm này gắn liền với hệ thống các di tích lịch sử như khu di tích Chín Hầm, tổ đình Thuyền Tôn, lăng Khải Định...
Đây là khu vực có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Không gian u nhàn, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn.
Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghế đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua, tiếp nữa là tam quan, rồi đến đền thờ Huyền Trân, trong cùng là đền thờ đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trước ngôi đền uy nghi là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam. Bên trong đền thờ Huyền Trân có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, thành phố Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân khi 2 châu Ô, Lý này về với Đại Việt.
Để tưởng nhớ vị tổ sư sáng lập Thiền phái trúc lâm - đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Trung tâm văn hóa Huyền Trân đang từng bước xây dựng, hoàn chỉnh để trở thành một khu Văn hóa Du lịch tâm linh, một địa chỉ văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội hằng năm, tiêu biểu là lễ hội Đền Huyền Trân được tổ chức định kỳ vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch.
Trong đền thờ đức vua Trần Nhân Tông - vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua rất lớn, được làm bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.
Hiện nay, Trung tâm văn hóa Huyền Trân đang được đầu tư nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thêm một số hạng mục như Thiền đường, Nhà thư pháp, Nhà phong lan, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Công chúa Huyền Trân... cùng các nhân vật anh hùng khác dưới thời đại nhà Trần...
Rời Đền thờ Trần Nhân Tông, dừng chân và cầu nguyện trước tượng Phật Di Lặc, qua 246 bậc cấp là đến tháp chuông Hòa Bình ở độ cao 108 mét, với quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, có khắc 8 trên mặt chuông: "Thế giới - Hòa Bình - Nhân loại - Hạnh phúc" cùng hình ảnh tượng trưng của 4 chùa: Giác Lâm (TP.HCM), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Tất cả đã tạo nên một không gian rất đặc biệt, hướng du khách về với cội nguồn, về với lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trung tâm văn hóa Huyền Trân đã và đang là tâm điểm thu hút khách du lịch và nhân dân địa phương đến vãn cảnh và thắp hương tưởng niệm vị công chúa, đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông - những đã có công mở mang bờ cõi nước Việt. Và đã trở thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, Trung tâm văn hóa Huyền Trân sẽ tổ chức lễ hội đầu xuân để mọi người có dịp chiêm bái, tri ân những bậc tiền nhân, những người đã có công mở cõi.
Hồng Lam (theo Vietnam+)