Thừa Thiên Huế là vùng đất còn bảo tồn nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề đã được khôi phục và phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Bên cạnh đó, làng nghề truyền thống còn là nguồn tài nguyên phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, mỗi làng nghề truyền thống đều gắn liền với lịch sử và văn hóa của từng vùng đất. Do vậy, khách du lịch khi đến tham quan du lịch tại các vùng văn hóa, thường có nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của các làng nghề truyền thống, trong đó thú vị nhất là được trải nghiệm, tận tay tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống. Do vậy, đòi hỏi các làng nghề truyền thống ngoài việc có phân xưởng để chuyên sản xuất còn cần thiết kế riêng một khu vực trình diễn, trải nghiệm để du khách có điều kiện được tham gia thực hành quá trình sản xuất, nhưng đến nay, phần lớn các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Qua thống kê, hiện nay Thừa Thiên Huế có 88 làng nghề truyền thống, trong đó có 69 làng nghề truyền thống và 8 làng nghề, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất. Trong đó tiêu biểu là các làng nghề: Đúc đồng Phường Đúc, Đệm bàng Phò Trạch (Phong Điền), Mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền), Gốm Phước Tích (Phong Điền), Kim hoàn Kế Môn (Phong Điền), Rèn Hiền Lương (Phong Điền), Mây tre Trạch Phổ (Phong Điền), Đan lát Bao La (Quảng Phú), Thêu Phú Hòa (Huế), Bún Ô Sa (Quảng Vinh), Bún Vân Cù (Hương Trà), Bánh tráng Lựu Bảo (Hương Trà), Nước mắm Tân Thành (Quảng Điền), Rượu An Truyền (Phú Vang), Nón Mỹ Lam (Phú Vang), Dầu Tràm Lộc Thủy (Phú Lộc), Tranh Làng Sình (Phú Vang), Hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang), Dệt zèng A Lưới, Gạch Ngói Nam Thanh (Hương Trà)...
Mỗi làng nghề đều có những nét đặc trưng vùng miền riêng và có những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, độc đáo thể hiện qua các công trình kiến trúc như cổng làng, đền thờ tổ nghề, đình làng, giếng nước cổ kính. Và những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất được kết tinh trong từng sản phẩm tinh xảo... Đến với du lịch làng nghề, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên làng quê thành bình, được tìm hiểu văn hóa làng nghề đặc sắc và trải nghiệm cuộc sống cùng người dân chăm chỉ yêu nghề hàng ngày sống với nghề, gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống.
Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở các làng nghề là những người am hiểu nhất, họ giống như những "bảo tàng sống" của làng nghề, là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu. Đến thăm các làng nghề, du khách có thể tìm gặp và trò chuyện cùng các nghệ nhân này, để nghe họ say sưa kể về lịch sử làng nghề, về quá trình hình thành và phát triển nghề ra sao, đặc biệt là xem họ trình diễn nghề điêu luyện, nhuần nhuyễn. Với lòng yêu nghề sâu sắc, chắc chắn những nghệ nhân này sẽ là những “hướng dẫn viên” tài tình và tận tâm nhất, đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề đặc sắc.
Với xu hướng trên thì các làng nghề truyền thống không còn đơn thuần chỉ là nơi sản xuất của người dân địa phương vì mục đích phát triển kinh tế mà đang trở thành tài sản quốc gia vì ý nghĩa văn hóa của nó. Văn hóa làng nghề được ghi nhận là một bộ phận không thể tách rời khỏi giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của từng vùng đất. Do đó, việc khôi phục phát huy, phát triển làng nghề phục vụ du lịch, không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương và các ngành hữu quan mà còn là trách nhiệm rất lớn của cộng đồng, những người đang trực tiếp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống từ bao đời để lại.
Để thực hiện được mục tiêu, theo chúng tôi, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, vai trò của làng nghề đối với phát triển du lịch, đặc biệt đối với những đối tượng đang nắm giữ nghề và cộng đồng dân cư trong từng địa phương.
Các làng nghề cần huy động nguồn kinh phí bằng nhiều phương thức để tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu sản xuất, trưng bày sản phẩm, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.
Các hình thức thông tin, quảng bá sản phẩm, giá trị văn hóa, lịch sử của làng nghề cũng cần được chú trọng hơn; duy trì liên kết, phối hợp với các công ty lữ hành để xây dựng đưa vào các tour tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề, tham gia trình diễn các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, kéo dài thời gian lưu trú, tạo thêm niềm hứng thú cho du khách.
Về lâu về dài, trong các dự án phát triển về du lịch cần gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống hướng đến hình thành các điểm tham quan, du lịch. Do vậy phải chú trọng về hệ thống giao thông, các dịch vụ du lịch đi kèm để phục vụ khách du lịch.
Duy trì thường xuyên hoạt động sáng tạo mẫu hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, trong đó cần hướng đến các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhỏ gọn, đạt độ tinh xảo cao, mang dấu ấn và đặc trưng của văn hóa, lịch sử của một vùng đất, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch.
Hình thức phát triển làng nghề gắn với du lịch vẫn đang rất cần một cách làm chuyên nghiệp hơn. Theo đó, giữa các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng một quy hoạch cho làng nghề. Không dừng lại ở đó, bản thân người dân làng nghề phải ý thức hơn nữa về quan hệ biện chứng, giá trị của việc gắn kết với du lịch để cùng phát triển, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư các làng nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế làng nghề, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.