Nghề Rèn Hiền Lương hình thành và phát triển gần 600 năm, đây là một trong những làng quê có lịch sử lâu đời của vùng Thuận Hóa. Hiện nay số lò rèn còn tại làng 2 lò và rải rác trên khắp miền Trung, Nam, vẫn còn nhiều lò rèn của làng Hiền Lương đang hoạt động. Các sản phẩm của nghề rèn làng Hiền Lương chủ yếu là lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm, phạng, rựa, vằng, thuổng, dao, giáo mác, kéo, búa, lưỡi bào, đục, bay, đinh, kềm, kiếng bếp, xẻng, khâu liêm,
Trong những năm qua nghề Rèn Hiền Lương gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế sản xuất và nhu cầu thị trường có nhiều thay đổi nên hoạt động nghề rèn ở Hiền Lương đã giảm đi đáng kể, hiện tại chỉ còn 03 hộ đang duy trì sản xuất nghề. Sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp hoặc theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, chưa thu hút tiêu dùng, thiếu đa dạng, thị trường tiêu thụ khó khăn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm thấp, sự cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt của các sản phẩm thay thế. Việc áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm còn hạn chế; thu nhập đem lại từ các sản phẩm Rèn Hiền Lương còn khiêm tốn, bên cạnh đó những cơ sở rèn và người lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp và đi làm ăn xa.
Để duy trì và phát triển nghề, những năm qua với sự nổ lực của Chính quyền địa phương, sự hỗ trợ bước đầu của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nguồn vốn khuyến công của huyện, tỉnh, nghề rèn Hiền Lương đã được bảo tồn và duy trì ổn định. Một số sản phẩm của Rèn Hiền Lương đã được đưa đi triển lãm, quảng bá ở các Hội chợ, Hội thi, tham dự các kỳ Festival ở Huế và đạt được những giải thưởng quan trọng; được hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh làng nghề tiêu biểu Việt Nam.
Tại buổi lễ, huyện Phong Điền đã công bố quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận nghề và làng nghề truyền thống Rèn Hiền Lương. Với việc được công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu; đồng thời bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đưa nghề truyền thống ngày càng phát triển.