Mục đích của Kế hoạch là nhằm tổ chức khảo sát, đánh giá các hiện vật (di vật, cổ vật, bảo vật) văn hóa Chăm-pa trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo quản, khai thác và phát huy giá trị. Đồng thời, qua đó đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật văn hóa Chăm-pa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển lâu dài của vùng đất Thừa Thiên Huế.
Theo Kế hoạch, từ tháng 9-12/2016, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phải phối hợp với các ngành chức năng địa phương hoàn tất kế hoạch khảo sát, đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật văn hóa Chăm-pa trên địa bàn.
UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế; phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, TP. Huế; các bảo tàng, cơ quan, đơn vị có hiện vật; các nhà sưu tập có lưu giữ hiện vật Chăm-pa để tổ chức khảo sát; xây dựng báo cáo khảo sát như lập danh mục hiện vật; đối chiếu hình ảnh, tư liệu; đo vẽ hiện vật; đề xuất phương án điều chuyển hiện vật; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật, phục vụ công tác quản lý, bảo quản, khai thác và phát huy giá trị hiện vật Champa trên địa bàn...