Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế được thành lập năm 1945 xuất phát từ tinh thần yêu nước và tầm nhìn của những nhà trí thức như luật sư Phan Anh, giáo sư Tạ Quang Bửu. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng các cựu học viên của trường và gia đình, con cháu của họ vẫn phát huy truyền thống của một thời xếp bút nghiên vì non sông xã tắc. Vừa qua, địa điểm Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Cùng với sự kiện này, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đã vận động các học viên tập hợp các kỷ vật, hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến hoạt động của trường. Trong số đó có nhiều hiện vật có giá trị như: áo dạ của luật sư Phan Anh đã từng mặc trong những ngày tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chiếc bút máy của giáo sư Tạ Quang Bửu, chiếc la bàn của ông Tôn Thất Hoàng thu được của lính Pháp trong trận đầu đánh Pháp năm 1945 tại Hiền Sĩ - huyện Phong Điền, các đầu sách của ông Đặng Văn Việt, người đã tham gia treo lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Phu Văn Lâu năm 1945...
Đây không chỉ là 52 hiện vật mang dấu ấn của một thời sôi nổi đầy nhiệt huyết cách mạng của cựu học sinh trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, mà còn là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng có thêm nguồn tư liệu phục vụ trưng bày giai đoạn 1930 -1954 và phục vụ công tác nghiên cứu, bổ sung tư liệu, hiện vật cho cơ sở của Bảo tàng.