Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Lượt đọc: 11436Thời gian: 10:23 - 11/04/2018

(VHH) - Được xác định là trọng tâm của sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh từ năm 2000, với 5 nội dung và 7 phong trào cụ thể, trong đó nổi bật nhất là phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; Xây dựng Làng, thôn bản, tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, đơn vị văn hóa (thời gian sau này triển khai thêm phong trào Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị).

Trong thời gian hơn 15 năm qua, Phong trào không ngừng mở rộng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Phong trào đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cơ quan ban ngành quan tâm và được xác định đây là một phong trào lớn vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa có tính thời sự cấp bách. Phong trào được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các họ tộc, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội và phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan. Đồng thời đã lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự thôn xóm, khu phố và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, khuyến học... Các địa phương đã kết hợp chặt chẽ phong trào với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo nên tính cộng đồng và sự đoàn kết nhất trí cao trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Nguyễn Thiên Bình - PGĐ Sở tại buổi đối thoại trực tuyến Trao đổi tháo gỡ văn hóa văn minh đô thị với môi trường du lịch năm 2017

Những kết quả đạt được

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.285/1.292 làng, (thôn, bản), tổ dân phố đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, đạt tỷ lệ 99,45%; trong đó có 1.165 làng, (thôn, bản), tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92%. Đối với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đến nay, toàn tỉnh có 1266/1298 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa, đạt 97,5%, trong đó có 1165 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92%. Về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 272.964/283.662 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 96,2%. Trong đó có 252.151 gia đình được UBND xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,3% so với đăng ký. Công tác xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” được triển khai sâu rộng. Đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh đã có 70 xã, phường, thị trấn đăng ký trên tổng số 152 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh, đạt 46% trong đó có 03 xã, 02 phường được công nhận đạt chuẩn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai rộng khắp, được toàn thể nhân dân hưởng ứng thực hiện.

Đồng chí Phan Tiến Dũng trao cờ cho các CLB TTVH, nhà Văn hóa tại Liên hoan văn nghệ năm 2017

Vẫn còn những khó khăn, hạn chế

Việc triển khai Phong trào trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, tuy nhiên chất lượng của Phong trào còn chưa đồng đều, thiếu bền vững.  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Công tác chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Phong trào chưa được các cấp, các ngành tổ chức thường xuyên. Quá trình triển khai vẫn còn những địa phương thiếu chú trọng đến chiều sâu và tính bền vững của Phong trào. Đội ngũ cán bộ tham mưu, tổ chức thực hiện Phong trào ở các cấp (đặc biệt là ở phường, xã) chưa ổn định, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nên công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo chưa hiệu quả. Kinh phí triển khai Phong trào còn quá hạn hẹp, đặc biệt là kinh phí khen thưởng, động viên Phong trào. Nguồn kinh phí triển khai Phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, doanh nghiệp văn hóa vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong việc khen thưởng công nhận đơn vị văn hóa.

Về những vấn đề xã hội, giáo dục vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tệ nạn ma túy, mại dâm,… có chiều hướng tăng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy có những chuyển biến tuy nhiên khu vực đô thị chuyển biến chậm hơn so với nông thôn; một số cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu so với người dân.

Đối với một số địa phương, cơ sở, công tác quản lý, kiểm tra sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác đánh giá công nhận chưa toàn diện, chưa thấy được những nét đặc biệt nổi bật của từng địa phương, đơn vị để nhân rộng, phát huy.

Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ xây dựng còn thấp, đặc biệt là thiết chế giành cho công nhân lao động. Việc triển khai xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa còn khó khăn, tỷ lệ thấp, thậm chí có địa phương không tiếp cận được các doanh nghiệp để triển khai.

Giải pháp nâng cao chất lượng Phong trào

Để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa Phong trào phát triển đi vào chiều sâu, có chất lượng.

Ổn định và đảm bảo số lượng và năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác ở cơ sở. Tiến hành sơ kết các chương trình phối hợp liên ngành, khắc phục sự chồng chéo, nhiều đầu mối làm cho việc phối hợp được tập trung, thống nhất, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện các nội dung của Phong trào.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp trên cơ sở Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đã được ban hành. Tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở và Ban chỉ đạo các cấp. Thường xuyên tổ chức phúc tra, kiểm tra để công nhận theo giai đoạn để nâng cao chất lượng các danh hiệu đạt chuẩn văn hoá.

Lồng ghép có hiệu quả các phong trào ở cơ sở vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng nông thôn mới.

Huy động mọi nguồn lực để thực hiện phong trào. Gắn việc thực hiện phong trào với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, trong đó chú trọng đến việc huy động đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

 
Cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động ở một số địa phương còn nhiều khó khăn

Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy ước ở làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa phù hợp với các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện quy ước văn hóa; tăng cường các giải pháp nhằm ngăn ngừa, giáo dục ý thức chấp hành quy ước, hương ước; tạo dư luận xã hội nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người. Sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vào việc tổ chức các hoạt đông liên quan đến phong trào.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Phong trào, qua đó nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm hay; đồng thời biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào và chấn chỉnh những hạn chế, khắc phục những khó khăn.

Hữu Uy
Xem tin theo ngày