Thừa Thiên Huế với Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4
Lượt đọc: 10736Thời gian: 22:18 - 16/04/2018

(VHH) - Ngày 17 tháng 11 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1668/QĐ-TTg về việc lấy ngày 19 tháng 4 hàng năm là Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hưởng ứng triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ biến, quán triệt đến các cơ quan, ban ngành, địa phương cơ sở về tinh thần Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19 tháng 4. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao đời sống về kinh tế, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Trong số những hoạt động mang dấu ấn phải kể đến“Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế”.  Hoạt động này thực sự có hiệu quả trong việc phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc miền núi Thừa  Thiên Huế. Luân phiên hai năm một lần, Ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Nam Đông và A Lưới tổ chức Ngày hội. Qua đó đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian, truyền thống đặc sắc. Đáng chú ý, hoạt động này đã phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của địa phương một cách mạnh mẽ. Đặc biệt Ngày Hội đã tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc miền núi của tỉnh được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, đồng thời làm cho nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Hưởng ứng ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ngành Văn hóa và Thể thao đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội của người dân, nhiều thuần phong mỹ tục được gìn giữ và phát huy. Các huyện miền núi đã chú trọng dạy tiếng dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi cho cán bộ chủ chốt các ban ngành, đoàn thể, giáo viên các trường học trên địa bàn. Phát triển mô hình tổ, đội văn nghệ quần chúng, đội thông tin lưu động, câu lạc bộ gia đình văn hóa hoạt động trên cơ sở tập hợp, hướng dẫn, tổ chức của địa phương và sự phối hợp của các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ..., duy trì và mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa với nước bạn Lào và các huyện lân cận. Mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên và phòng chống bạo lực gia đình đã góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu làm cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng văn minh và phát triển bền vững hơn.

Đối với các hoạt động văn hóa, thông tin của tỉnh được chú trọng tổ chức tại các huyện Nam Đông, A Lưới tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Các đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai các hoạt động thiết thực như: Thường xuyên đưa 4 đội chiếu phim lưu động lên phục vụ 45 xã miền núi của tỉnh. Kết hợp chiếu phim và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh,… mỗi năm thực hiện từ 600 – 700 buổi chiếu phim. Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng lịch sử tỉnh định kỳ tổ chức hoạt động triển lãm chuyên đề tại hai huyện Nam Đông, A Lưới kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân đến xem. Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế đã tăng cường tổ chức các chương trình biểu diễn lưu động phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xã, biên giới và biển đảo, mỗi năm thực hiện từ 50 – 100 buổi. Thư viện Tổng hợp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu và phục vụ sách lưu động, luân chuyển sách báo cho các phòng đọc tại các điểm bưu điện văn hóa xã hai huyện Nam Đông, A Lưới góp phần đưa ánh sáng văn hóa, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con vùng dân tộc miền núi.

Từ năm 2009 đến nay, các hoạt động ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện A Lưới đại diện cho tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động thành lập đoàn nghệ nhân, diễn viên tham gia đảm bảo các chương trình, nội dung của ban tổ chức. Ngoài ra, các hoạt động định kỳ do Bộ VHTTDL tổ chức như  “Ngày văn hóa các dân tộc miền Trung”, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Gia Lai năm 2013”,…tỉnh Thừa Thiên Huế đều có kế hoạch và thành lập đoàn tham gia các hoạt động của ngày hội.

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh hàng năm đã tổ chức các đợt sáng tác âm nhạc, văn học ở các huyện miền núi của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được qua 10 năm hưởng ứng, thực hiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19 tháng 4 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ đó là: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí ở vùng đồng bào các dân tộc của tỉnh vẫn chưa đảm bảo. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gặp khó khăn do các yếu tố khách quan về kinh tế thị trường, sự xâm nhập các loại hình văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu vẫn còn. Đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh phần lớn vẫn còn thấp.

Trên tinh thần chủ động, ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn để tiếp tục hưởng ứng thực hiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đó là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện giữa ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Du lịch với các cơ quan, ban ngành liên quan về các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Phát huy vai trò của mỗi cơ quan, ban, ngành trong công tác phối hợp thực hiện qua sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có kế hoạch cụ thể trong mỗi nội dung hoạt động hướng đến phát triển mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đầu tư kinh phí hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19 thánh 4 hàng năm. Từ đó huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển toàn diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

H.Uy
Các tin khác
Xem tin theo ngày