Trong những năm qua, UBND huyện đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Thông qua Đề án "Bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020" việc sưu tầm, trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống cũng như việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm đặc trưng đều phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của đồng bào đã giữ được những nét hoa văn, chất liệu truyền thống. Thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Các điểm di tích lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang được UBND huyện quan tâm đầu tư, giữ gìn, tôn tạo và phát huy. Hạ tầng du lịch bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng. Sản phẩm du lịch truyền thống ngày càng phát triển, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác du lịch được đẩy mạnh thông qua các phương tiện đại chúng... Tạo sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch vùng cao.
Bằng những việc làm cụ thể địa phương đã khôi phục được 15 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu, 01 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô; xây dựng 01 Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc và 01 Trung tâm Thông tin Du lịch cấp huyện; 01 Trung tâm trưng bày hiện vật Văn hóa và hiện vật chiến tranh; 01 Trung tâm Trưng bày hiện vật A Biah; 01 trung tâm trưng bày hiện vật A So; Đã phục dựng lại một số khu nhà Piing truyền thồng dân tộc Pa Cô, Cơ Tu... Thực hiện tốt Đề tài “Phân loại, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể dân tộc thiểu số ở A Lưới”, tổ chức trưng bày tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc nhân dịp 19 tháng 5 năm 2013 và Đề tài “Các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống”.
Đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là dân ca, dân vũ, dân nhạc và các lễ hội mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc như: Sưu tầm và phát hành sách “Truyện cổ Pa Cô”; thực hiện thành công Đề tài “Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới” nhằm phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách đồng bào các dân tộc, đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội.
Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hoá của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, phát triển tạo ra những sản phẩm độc đáo như nghề đan lát thủ công truyền thống, nghề dệt dèng của người Tà Ôi. Năm 2016, Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt đã hình thành các hợp tác xã dệt Dèng và đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, được du khách và các nhà thiết kế thời trang ưa chuộng và quan tâm. Trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc sử dụng hằng ngày trong lao động, sản xuất, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng.
Đặc biệt, địa phương luôn quan tâm và tích cực tham gia vào các hoạt động do Tỉnh cũng như Trung ương tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa đặc sắc, các điểm du lịch, mảnh đất và con người A Lưới. Cụ thể như: Tham gia tái hiện hoạt động sinh hoạt vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới nhân sự kiện Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-132 từ ngày 25-30/3/2015; tổ chức tái hiện lễ hội A Da trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 15-23/11/2015; Tham gia tổ chức tái hiện lễ cưới truyền thống, trích trong lễ vòng đời và lễ đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới mang họ Hồ, tại tuần lễ “Truyền thống văn hóa gia đình dân tộc vùng Bắc Trung Bộ” từ ngày 23-28/6/2016; tái hiện Lễ A Tan Pa Nuôn và trình diễn các nghề thủ công truyền thống và các làn điệu dân ca, giới thiệu các làng nghề thủ công, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới. Phối hợp tổ chức hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với các hoạt động: “Ngày hội truyền thống Cơ Tu”, chương trình dân ca dân vũ “Làng Cơ Tu vào hội”, tái hiện Lễ hội “Mừng nhà Gươl mới” của đồng bào Cơ Tu huyện A Lưới; Tái hiện lễ A Riêu Piing của đồng bào dân tộc Tà Ôi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Ngoài ra, huyện A Lưới đã tham gia thành công các hoạt động, trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày hiện vật văn hóa, sản phẩm Dèng, thuyết trình du lịch, tại Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đạt 03 giải C, 01 giải Khuyến khích; giao lưu nghệ thuật tại “Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – năm 2017. Phối hợp tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII với kết quả A Lưới đạt Giải Nhất toàn đoàn. Đặc biệt đã tham gia trưng bày và giới thiệu nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2017; sự kiện Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm cố đô Huế... Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Làng, Thôn, Bản, Tổ dân phố văn hóa tỉnh TT Huế, lần thứ VII, năm 2017 đạt Giải Nhì toàn đoàn.
Bên cạnh đó, việc tham gia luân phiên đưa các đoàn nghệ nhân, diễn viên về tham gia các hoạt động tại Trung ương nói chung, tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần bảo tồn và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, mảnh đất và con người A Lưới. Các nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ vẫn được bảo tồn trao truyền, tiếp nối truyền thống, bản sắc văn hóa cho các thế hệ trẻ. Đồng thời, cũng là dịp để người dân giới thiệu các loại sản vật địa phương, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triễn lãm ảnh đẹp về con người A Lưới hội nhập và phát triển góp phần quảng bá các điểm du lịch tại A Lưới.