Năm 2017, mô hình “Dòng họ Hồ tự quản về an ninh trật tự” đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới được thành lập tại thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân. Với 56 hộ gia đình, các thành viên trong “Dòng họ Hồ tự quản về an ninh trật tự” ở thôn Ka Cú 1 cùng nhau tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải. Hiện nay, tỉnh ta có hơn 2.000 dòng họ, trong đó có nhiều dòng họ đã trở thành các mô hình tự quản về an ninh trật tư (ANTT) tại địa phương, hoạt động hiệu quả như: dòng họ Võ Đại (làng Nong, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), dòng họ Trần (thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), dòng họ Phan Phước (thị xã Hương Trà), dòng họ Trương Văn (xã Phong Hải, huyện Phong Điền)... Để các dòng họ phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT, phát kiển kinh tế gia đình, thì theo quy ước của dòng họ, những người đứng đầu các nhánh, phái, bậc cao niên trong họ phải làm nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, là chỗ dựa tin cậy để người dân trong họ kính trọng và học hỏi. Đối với mỗi hộ gia đình, phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân không vi phạm pháp luật, không được mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục, phòng chống tệ nạn xã hội.
Qua tìm hiểu tại mô hình Dòng họ Trương Văn tự quản về ANTT (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), chúng tôi được biết: Những người trong họ tộc phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ các thành viên gia đình, dòng họ mình không vi phạm pháp luật để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống nhằm xây dựng thành công quy ước xây dựng dòng họ tự quản về ANTT. Cụ thể như: không để xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Trong gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, tình trạng con cháu vi phạm pháp luật của các dòng họ tự quản về ANTT giảm hẳn. Mỗi dòng họ trở thành một tổ tự quản, mỗi gia đình là một tổ hòa giải, góp phần giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống.
Cùng với việc phát huy vai trò của các dòng họ tiêu biểu trong tự quản về ANTT, tại tỉnh còn có nhiều mô hình dòng họ điển hình trong thành lập các quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để con cháu học tập, phát triển kinh tế, điển hình như dòng họ Nguyễn Văn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Họ Phan (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), họ Văn Đình (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), họ Nguyễn Văn (thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc)... cũng rất tích cực trong các hoạt động khuyến học. Nhiều dòng họ trở thành hạt nhân trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Qua trao đổi với Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của các địa phương, chúng tôi được biết: Bên cạnh việc tự quản, tự phòng, tự hòa giải, cùng nhau phát triển kinh tế, các dòng họ trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, lực lượng công an trong đấu tranh tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; ký cam kết đảm bảo dòng họ không có người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, cờ bạc; chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong quy ước xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa...
Để phát huy tính tích cực của Dòng họ tiêu biểu tự quản về ANTT trên địa bàn, Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa các địa phương cần chủ động hơn trong công tác phối hợp, xem đây là những hạt nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động, cùng địa phương thực hiện đảm bảo phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.