Một mình ngành Văn hóa không thể giải quyết được sự xuống cấp đạo đức trong xã hội
Lượt đọc: 11453Thời gian: 08:09 - 02/11/2018

(VHH) - Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Những hiện tượng như những cán bộ làm trong cơ quan thực thi phạm luật lại vi phạm pháp luật; học sinh đánh thầy cô; sinh viên vứt bỏ đứa con mới sinh của mình… thực sự là những chuyện đau lòng, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, day dứt.

Nguyên nhân của tình trạng này chắc chắn có nhiều. Cả những nguyên nhân khách quan từ phía xã hội lẫn những nguyên nhân chủ quan ở chính bản thân mỗi con người. Nhưng có lẽ, việc đi tìm câu trả lời cho những giải pháp sẽ là phương án hữu hiệu nhất mà chúng ta mong đợi lúc này.

Ở đây, chắc chắn tôi sẽ không đi kể đến những giải pháp chung chung kiểu như nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực… để giải đáp câu hỏi vốn dĩ đã rất nhiều người lên tiếng, báo động. Tôi chỉ muốn kiếm tìm câu trả lời từ quan điểm của Karl Marx “về bản chất, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”.

Trong xã hội học, một trong những khái niệm then chốt là xã hội hóa (socialisation), đó là quá trình con người học hỏi văn hóa của xã hội để trở thành những con người xã hội. Nhiều người ví von quá trình ấy là “khoác lớp áo văn hóa” lên cho mỗi cá nhân. Ở đây có thể hiểu là, con người, xét cho cùng, là sản phẩm của văn hóa trong một xã hội nhất định. Như vậy, để lớn lên trở thành một CON NGƯỜI theo đúng nghĩa của nó, một cá nhân sẽ trải qua các môi trường xã hội hóa khác nhau như gia đình, nhà trường, nhóm bạn, nơi làm việc và ảnh hưởng của truyền thông. Một môi trường xã hội hóa tốt, ở đó, các giá trị đạo đức của xã hội là trọng tâm, sẽ là tiền đề quan trọng để sản sinh ra những con người tốt trong xã hội. Đó chính là lý do tại sao, trong nhiều năm vừa qua, đất nước chúng ta quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa bằng nhiều biện pháp khác nhau, để hình thành nên môi trường lành mạnh này.

Vấn đề ở đây là, các lĩnh vực trong đời sống xã hội có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, quan hệ qua lại biện chứng lẫn nhau. Văn hóa là một lĩnh vực của đời sống xã hội, và vì thế, theo đúng lôgic, văn hoá chịu sự ảnh hưởng qua lại của các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… Sự tách biệt văn hóa ra khỏi các lĩnh vực khác sẽ khiến cho mọi sự giải thích về văn hóa, hay giải pháp cho phát triển văn hóa trở nên thiếu tính biện chứng, lạc lõng. Một mình ngành văn hóa không thể và không bao giờ giải quyết được các vấn đề văn hóa của xã hội mà không có sự phối hợp của các lĩnh vực khác. Như thế, theo cách tư duy này, để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức cần có sự chung tay, vào cuộc của cả xã hội. Ví dụ như đối với kinh tế, đó là hệ thống đạo đức kinh doanh; đối với chính trị, đó là văn hóa chính trị; đối với giáo dục, đó là truyền thống tôn sư, trọng đạo; đối với y tế, đó là lương y như từ mẫu; hay trong gia đình, đó là sự làm gương của cha mẹ… Có nghĩa là thực sự để văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó, văn hóa trở thành trung tâm và là hệ điều tiết cho sự phát triển của xã hội. Khi đó, đạo đức xã hội mới thực sự được xây dựng và vận hành theo đúng mong đợi của xã hội.

Cuộc sống, về bản chất, là hướng thiện. Đạo đức xã hội có giá trị vĩnh cửu khi chúng đem lại cho con người niềm tin vào chân - thiện - mỹ, những thứ khiến cho xã hội tốt đẹp và đáng sống hơn!

TP (Nguồn Báo Văn hóa)
Các tin khác
Xem tin theo ngày