Đánh giá tổng kết thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Trong 10 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành về các mô hình về phòng, chống BLGĐ của tỉnh, tập huấn nâng cao kiến thức cho cácn bộ làm công tác Gia đình về thực hiện Luật PCBLGĐ, kỹ năng tư vấn hòa giải và xử lý kịp thời trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, công tác thu thập xử lý các dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng được chú trọng triển khai. Cụ thể, hằng năm có trên 100 tin, bài về gia đình trên Đài Truyền hình cấp tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế, khoảng 150 lượt tin, bài trên Đài truyền thanh 9 huyện, thị xã, thành phố, 2.500 buổi tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, hơn 300 buổi tuyên truyền lồng ghép vào sinh hoạt của các đoàn thể ở cơ sở, 106 buổi lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, treo trên 500 pa nô, áp phích, băng rôn vào các dịp lễ, ngày gia đình Việt Nam. Tổ chức các Hội thi “Gia đình Hạnh phúc”, “Gia đình Thể thao”, “Câu lạc bộ Gia đình Hạnh phúc” từ cơ sở đến cấp tỉnh. Phát động Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ, ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Phối hợp với các đơn vị: Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh,… hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát hành tờ rơi về giáo dục kiến thức gia đình, giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên, Tiền hôn nhân, phòng chống tệ nạn xã hội;...
Với những kết quả đó, trong nhiều năm qua tình hình BLGĐ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều hướng giảm, tính đến cuối năm 2017 giảm gần 63% số vụ bạo lực so với năm 2008. Tổng số vụ bạo lực trong thời gian qua là 3.065 vụ, tập trung nhiều nhất là bạo lực thân thể với 1.393 vụ, bạo lực tinh thần có 1.094, bạo lực kinh tế 451 vụ và bạo lực tình dục 66 vụ. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em (82%). Đối tượng gây bạo lực phần lớn là nam giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết, đồng chí Nguyễn Dung nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện, Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống của người dân, đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cần có sự quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phòng ngừa bạo lực, tệ nạn xã hội, hạn chế xảy ra bạo lực trong gia đình; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ tư vấn về PCBLGĐ, thực hiện lồng ghép, đưa nội dung này vào các hoạt động tại các địa phương, đơn vị; quan tâm đầu tư nguồn lực cả về kinh phí và cơ chế, chính sách cho cán bộ, lực lượng thi hành Luật tại cơ sở. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc PCBLGĐ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện bình đẳng giới, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng nhau, gia đình không có hành vi bạo lực, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đối xử công bằng với các thành viên trong gia đình; tạo sự đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư nơi sinh sống, tích cực tham gia vào các hoạt động hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình…
Dịp này, có 10 tập thể và 15 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tặng Giấy khen cho 05 tập thể và 01 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008 - 2018.
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân
Trao giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho 5 tập thể