Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trước tình hình xã hội vẫn còn những đám cưới, đám tang tổ chức lãng phí, vụ lợi; ăn uống linh đình, nhiều ngày, mời nhiều khách; để xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm; dựng rập, sử dụng loa máy gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đưa đón dâu nhiều lần; đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, để thi hài quá lâu, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện, còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính.
Qua theo dõi phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, ngoài những hạn chế như đã nêu, ở một số vùng, miền của tỉnh ta vẫn còn duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp trong việc cưới việc tang. Mới đây, có dịp dự một đám cưới ở huyện Phú Vang, chúng tôi thấy địa phương đã thực hiện được một việc làm đáng ghi nhận.
Đám cưới của con gái chị Võ Thị Hoa, làng Xuân Thiên Hạ (Vinh Xuân, Phú Vang) chỉ đặt 30 tấm thiệp cưới để mời những người ở ngoài làng. Chị Hoa cho biết: Nhà tôi dọn khách 15 mâm, trong đó chỉ có 3 mâm khách phương xa là phải gửi thiệp. Đây là phong tục của làng. Cả nhà tôi, rồi bà con cô bác, hàng xóm ai cũng quen với nó cả. Đám cưới là chuyện vui, nếu gửi thiệp thì có khác chi… đòi nợ. Theo chị Hoa, ngoài là gánh nặng tâm lý, việc đi gửi thiệp cưới cũng rất mất thời gian. Nhà ít khách, chứ nhà nhiều khách thì đi gửi thiệp rất bất tiện, lại tốn tiền in thiệp. Đó là chưa kể nhỡ mời sót nhà bà con thì rất xấu hổ.
Theo ông ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ: Đây là lệ xưa nay của làng Xuân Thiên Hạ, chúng tôi cũng không biết nó có từ khi nào. Tục lệ này thể hiện cái tình, cái lý rất rạch ròi. Nếu nhà ai có việc hiếu hỉ, khách sẽ tùy cái tình thân sơ mà đến, không cần đợi mời. Ngược lại, nếu họ xét thấy chưa đủ thân, hoặc trong nhà đang kẹt tiền, thì việc không mời thiệp sẽ giúp họ vơi bớt gánh nặng khi không thể đi.
Do địa bàn rộng lớn, và mong muốn ai cũng biết đến tiệc hiếu hỉ, bà con trong làng đã đề nghị đưa việc thông báo rộng rãi tin cưới vào quy ước của làng. Nhờ hệ thống âm thanh đặt tại nhà, ông Từ đã phát không biết bao nhiêu tin đám cưới qua loa. Tận mắt nghe hình thức thông báo mới mẻ này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi một nét văn hóa lạ và độc đáo.
Để ước lượng khách mời, phong cách mừng tiền cưới và cách dọn tiệc của các đám cưới tại làng Xuân Thiên Hạ cũng rất khác. Thông thường khách sẽ đến chơi và mừng tiền vào buổi tối. Từ đó gia đình sẽ ước lượng chọn số mâm, và báo cho nhà hàng. Ngoài số khách cơ bản, gia đình cũng đặt dôi chừng 2 đến 3 bàn để đảm bảo những khách không đi được buổi tối vẫn có chỗ.
Nét văn hóa đặc biệt này không chỉ có ở làng Xuân Thiên Hạ. Tại làng Xuân Thiên Thượng, việc mời cưới không thiệp đã xuất hiện từ lâu, song đã mất dần. Trải qua bao thăng trầm, tục lệ này đã ăn sâu vào máu thịt con dân làng Xuân Thiên Hạ.
Ông Từ cho biết thêm: Không chỉ tiệc cưới, với những đám tang trong làng, bà con cũng thường đến nhờ ông thôn trưởng thông báo. Trong lúc tang gia bối rối, sẽ có những lúc gia chủ ngạc nhiên trước những người hàng xóm bình thường nhất. Với tình làng nghĩa xóm, bà con quý mến nhau thì sẽ giúp nhau. Họ giúp bưng bê trà nước, dựng rạp, và làm các việc như người thân trong nhà, dù trước đó hàng xóm láng giềng chỉ từng chào nhau.