Lễ hội Aza là lễ hội lớn nhất ở A Lưới. Lễ hội thường được tổ chức vào thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm truyền thống, bản sắc các dân tộc ở huyện A Lưới.
Lễ hội được tái hiện với các nghi thức tế thần lúa; múa Tân tung za zã gọi thần; Hoạt động văn hóa văn nghệ thông qua hát lý dân ca, múa Dọn nương rẫy và các điệu múa đặc sắc khác; Trò chơi truyền thống: Trèo cột, kéo co; Đãi khách bằng các sản vật cây trồng, vật nuôi nấu theo ẩm thực truyền thống.
Nét văn hóa múa cột của đồng bào dân tộc Cơ Tu
Hoạt động là dịp để bà con nơi đây thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, trân trọng những tình cảm gắn bó thiêng liêng sống chết có nhau, no đói cùng nhau của những người dân làng bản ở vùng cao. Theo phong tục, trước ngày tổ chức lễ hội Aza, người dân nơi đây lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại, thể hiện sự tri ân cây lúa vì đã mang lại sự no ấm cho dân làng nơi đây.
Người dân tham gia sinh hoạt tại Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc Giông
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc này, nhiều năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì cùng với UBND huyện A Lưới, Nam Đông xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung phục hồi lễ hội Aza ở A Lưới.