Trong ngày khánh thành đưa vào sử dụng nhà gươl truyền thống xã Hồng Hạ mới đây, gặp Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Viết Lương cho biết: Đây là niềm vui lớn của bà con địa phương khi xã Hồng Hạ vinh dự được đón nhận món quà của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với chủ trương đồng ý xây dựng công trình bảo tồn nhà gươl truyền thống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Công trình bao gồm các hạng mục nhà gươl, không gian ngoài trời để trưng bày các hiện vật, không gian sinh hoạt các lễ hội đặc trưng... góp phần đảm bảo điều kiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các lễ hội truyền thống đáp ứng việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ nói riêng và của huyện A Lưới nói chung.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm, hiện tại phong trào văn hóa dân gian đang được phát huy mạnh mẽ ở các làng, thôn, tổ dân phố của huyện. Tiêu biểu là các câu lạc bộ văn nghệ dân gian làng Pa Hy, xã Hồng Hạ; làng Việt Tiến, xã Hồng Kim; làng du lịch văn hóa cộng đồng A Hưa, xã Nhâm; làng AKa – Achi, xã A Roàng... Đây là những địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan du lịch.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành văn hóa huyện A Lưới đã triển khai công tác sưu tập, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới, phục dựng các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống. Huyện đã triển khai phục dựng lại một số nhà piing và xây dựng 1 nhà moong; xây dựng mới và khôi phục 15 nhà rông, 3 nhà gươl truyền thống; xây dựng 131 nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, bản theo kiến trúc đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.
Huyện A Lưới cũng quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, các tập tục văn hoá độc đáo của đồng bào các DTTS đều được duy trì thường xuyên, đúng định kỳ. Đến nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào, như Ariêu Caar (Lễ hội đoàn kết giữa các làng), Ariêu Piing (Lễ cải táng), Ariêu Aza (Tết truyền thống, mừng lúa mới) đã được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Huyện duy trì lớp học ngôn ngữ Pa Cô, Tà Ôi cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội, công an, biên phòng; xây dựng và thực hiện hiệu quả đề tài dịch 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, hát về quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô để bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Địa phương đã có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá. Tập trung lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn lực nhằm xã hội hoá việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hoá, tiến đến tổ chức các lễ hội Ariêu Aza định kỳ mỗi năm 1 lần, Ariêu Caar 5 năm một lần... góp phần đưa các lễ hội này trở thành các sản phẩm du lịch. Đồng thời, tiến hành đề nghị công nhận lễ hội Ariêu Aza là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Huyện sẽ phối hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao xây dựng bộ chỉ số phát triển các DTTS đến năm 2020 và thống kê các di sản văn hoá tiêu biểu các DTTS trên địa bàn toàn huyện; kết hợp công tác bảo tồn các giá trị văn hoá với phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các DTTS ở A Lưới.