Lễ hội Đền Huyền Trân luôn diễn ra trong không khí ngưỡng vọng, trang nghiêm
Với ước vọng cầu mong một năm mới an lành, trong những ngày tết, rất đông người dân đi lễ chùa đầu năm. Dòng người đổ về các ngôi chùa, như: Từ Hiếu, Ba Đồn, Thiền Tôn… khá đông đúc. Tuy vậy, không hề có cảnh ồn ào, chen lấn; trái lại, ai cũng giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Điều đó khiến anh Phạm Thế Phiệt, một người Huế xa quê nhiều năm khá bất ngờ: “Người Huế mình lúc nào cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Đông vậy nhưng ai cũng trật tự, lặng yên khấn vái. Cũng không thấy chuyện mê tín, rải tiền, đặt tiền lên tượng Phật như một số chùa tôi từng đến ở miền Bắc. Huế vẫn luôn yên bình, kể cả trong mùa lễ hội, điều đó khiến tôi cảm thấy thích thú khi trở về quê hương”.
Ở các lễ hội đu tiên Gia Viên, Điền Hòa ở Phong Điền, không khí hội làng diễn ra trong không khí hứng khởi, đoàn kết, chan hòa. Ngoài bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương, đây còn là dịp để người dân nô nức trẩy hội vui xuân. Đông nhất là vật làng Sình diễn ra vào mùng 10 âm lịch hàng năm, thu hút hàng nghìn người đổ về xem vật. Có tuổi đời trên 200 năm, đến nay, lễ hội này vẫn giữ được nét đẹp truyền thống xa xưa, không đặt nặng chuyện thắng thua mà mang đậm tinh thần thượng võ của người bản địa, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Không quá náo nhiệt như những lễ hội truyền thống ở các vùng miền khác, lễ hội ở Huế vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống, là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó níu chân tôi trở lại vào đúng dịp tết sau khi trải nghiệm tết Huế vào năm ngoái.
Hội bài chòi đầu năm mang đến cho mọi người không khí vui vẻ, dân dã
Cố đô Huế đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội từ cung đình đến dân gian được tổ chức vào dịp tết, thể hiện sự phong phú so với các địa phương trong cả nước. Các hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ duy trì như ngày xưa mà còn là sản phẩm thu hút khách du lịch và cả những người xa quê trở về sống lại tình cảm của quê hương. Các hoạt động vui chơi, văn hóa được khôi phục trong dịp tết đã tạo ra điểm nhấn đặc biệt, góp phần xây dựng hình ảnh Huế ấn tượng trong lòng khách thập phương. Khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, trước tết, đến các điểm vui xuân, tụ điểm văn hóa, các lễ hội đầu xuân, như: đu tiên, vật, đua ghe… của một số làng truyền thống đã tạo ra chuỗi hoạt động phong phú cho ngày tết cổ truyền.
Với 500 lễ hội lớn nhỏ khác nhau trên địa bàn, phần lớn các lễ hội đảm bảo được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh được nguy cơ mai một và biến hóa tiêu cực, đồng thời, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là trong dịp lễ tết. Vì thế, trong nhiều năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng A.
Tặng chữ ngày xuân trở thành nét đẹp văn hóa
Dịp tết, các hội vật Thủ Lễ, làng Sình dù thu hút hàng ngàn người tham gia nhưng không hề lộn xộn, mất trật tự. Người dân lại thân thiện, mến khách, hòa nhã nên lễ hội ở Huế luôn mang đến cho khách thập phương cảm giác an toàn, lành mạnh. Những hình ảnh chưa đẹp của người dân khi tham gia lễ hội, nhất là một số người vẫn chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tùy tiện xả rác khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi người có ý thức văn minh khi tham gia lễ hội và các hoạt động cộng đồng, cần có chế tài xử phạt để người dân tự răn đe mình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, có như vậy, hình ảnh Huế - thành phố xanh, sạch, sáng, đẹp, thân thiện mới toàn vẹn trong lòng người dân và du khách.