Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc.Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, dân trí từng bước được nâng cao; tinh thần yêu nước, tính năng động và tích cực của người dân được phát huy; các giá trị văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng được củng cố. Đến nay, toàn tỉnh có 1.237/1.277 làng (thôn, tổ dân phố) được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2%; 1.117/1.367 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 89%; có 254.210 gia đình được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa cấp cơ sở, đạt tỷ lệ 91,86%.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng "Đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường", đây là mục tiêu bao quát toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 33-NQ/TW. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn của Thừa Thiên Huế là giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nên việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa lớn rất gặp khó khăn, chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là Tỉnh đã bám sát tình hình cụ thể của địa phương để đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sát thực; trong đó, Tỉnh đã làm tốt công tác đối ngoại về văn hóa không chỉ thông qua lĩnh vực bảo tồn di sản, phát triển du lịch mà ngay cả với nước bạn Lào có đường biên giới.
Theo Phó thủ tướng, nét văn hóa của Thừa Thiên Huế còn rất đậm và giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta truyền lại, đây là minh chứng rất rõ của Tỉnh trong việc giữ gìn, bảo tồn thời gian qua. Tuy nhiên, Tỉnh cũng nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế để đưa ra những giải pháp tốt hơn trong thời gian tới đó là các thiết chế văn hóa trực tiếp cho phát triển văn hóa và con người đã đồng bộ, hoàn thiện chưa? các phong trào, cuộc vận động liên quan đến văn hóa, sau thời gian thực hiện đã thực sự đi vào chiều sâu, thực chất hay chưa? hay vẫn là hình thức...
Phó thủ tướng cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa đòi hỏi phải rất dài, nếu nhìn bề ngoài sẽ không thấy sự khác biệt, vì vậy, Tỉnh cần phải nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế để đưa các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với đặc thù của địa phương; đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức không chỉ của cấp ủy Đảng, chính quyền mà của toàn dân về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Dịp này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm các hộ dân thuộc diện di dời theo đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế".Tại đây, chia sẻ với những khó khăn của bà con đang sinh sống trên thượng thành (kinh thành Huế), Phó thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm về đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế" của tỉnh Thừa Thiên Huế, đây không chỉ nhằm ổn định đời sống cho người dân mà còn tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế, vì vậy, qua thăm thực tế, rất vui mừng khi bà con đã đồng tình ủng hộ, hy vọng thời gian tới bà con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.