Mục tiêu quy hoạch được xác định là: Đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch Vùng một cách toàn diện, đồng bộ; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, toàn vùng có 4 khu du lịch quốc gia: Khu du lịch Kim Liên, Khu du lịch Thiên Cầm, Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương; 6 điểm du lịch quốc gia, gồm: Thành Nhà Hồ, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới, thành cổ Quảng Trị, Bạch Mã; 3 đô thị du lịch, gồm thị xã Sầm Sơn, thị xã Cửa Lò, thành phố Huế.
Các định hướng phát triển du lịch chủ yếu, gồm: Phát triển thị trường khách du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chính (Du lịch di sản văn hóa, Du lịch tìm hiểu di tích lịch sử và cách mạng, Du lịch nghỉ dưỡng biển); phát triển du lịch theo lãnh thổ, hình thành các không gian phát triển du lịch trong vùng (Du lịch di sản, Du lịch lịch sử - cách mạng, Du lịch biển đảo, Du lịch sinh thái)...
Tổng mức đầu tư phát triển du lịch cả giai đoạn là 165.025 tỷ đồng (tương đương 8,05 tỷ USD), bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (gồm cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia và 6 trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư 4 chương trình: Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên; Phát triển hạ tầng và công nghệ then chốt.