Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 100 tác phẩm gồm các thể loại: gò kim loại, bút sắt, sơn dầu, sơn mài, bột màu, sắp đặt, nhiếp ảnh, khắc gỗ...
Các tác phẩm được giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế sáng tác tại Huế và Đà Lạt, xoay quanh các chủ đề mang âm hưởng tôn tạo giá trị cuộc sống, khắc họa giá trị văn hóa giao thoa có được từ 120 năm qua và hiện tại giữa Đà Lạt - Huế.
Thưởng lãm các tác phẩm của nghệ sĩ xứ Huế tại Đà Lạt lần này, người xem có thể hình dung sự say mê sắc màu thành phố sương mù Đà Lạt, những "góc Huế" trong lòng Đà Lạt qua tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Ý Nhi; những mảng phố rêu phong buông trong chiều của họa sĩ Trần Hoài Diễm; những nổi niềm trắc ẩn về thân phận của phụ nữ, của "dáng Huế" trong tranh họa sĩ Thanh Mai. Đà Lạt gần gũi và kiêu sa qua nét cọ của họa sĩ Trần Thị Thanh Dung, phảng phất nét u hoài da diết của Huế tại Đà Lạt trong tranh Phan Thanh Bình...
Trở lại Đà Lạt, mảnh đất từng gắn bó thời trai trẻ sau nhiều năm, nhà văn hóa, dịch giả Bửu Ý chia sẻ: Văn hóa Huế tại Đà Lạt có được từ lúc hình thành Đà Lạt, bởi những người con xứ Huế đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Và tại không gian triển lãm lần này, một lần nữa tái hiện "Huế thứ hai" trong lòng Đà Lạt.
Họa sĩ Nguyễn Thái Quảng, Đại học Nghệ thuật Huế cho hay, "lễ vật" triển lãm không chỉ có giá trị về mỹ thuật thông thường, mà chính là sự bảo tồn và phát triển văn hóa của Đà Lạt.
Đây là hoạt động khởi đầu của "Tuần Văn hóa - Du lịch 2013" chào mừng kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, festival hoa Đà Lạt lần thứ năm và Công bố năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt. Sự kiện "3 trong 1" này diễn ra tại TP Đà Lạt từ ngày 27 đến 31/12.