Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến của các nhà báo về công tác tổ chức đón tiếp đại biểu và các đoàn tham gia Festival; năng lực đón khách lưu trú của hệ thống nhà hàng, khách sạn, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển của hệ thống giao thông đường bộ, đường không.
Các ý kiến cũng tập trung vào các địa điểm tham quan và việc sắp xếp lịch, cơ cấu các chương trình nghệ thuật, hoạt động biểu diễn cũng như làm thế nào để Festival Huế giữ được bản sắc và đặc trưng của Festival truyền thống Huế trước số lượng các đoàn quốc tế lớn đa quốc gia, đa màu sắc văn hóa tham gia trong một không gian trình diễn văn hóa lớn trải rộng trên nhiều địa điểm.
Đa số các ý kiến tham gia tại toạ đàm đều thống nhất với chủ đề Festival lần thứ tám-2014 là "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển," xem đây là nơi hội tụ của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Là lễ hội có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế, Festival Huế 2014 sẽ có sự phối hợp tổ chức chặt chẽ để gắn các sự kiện quốc tế sẽ được tổ chức tại thành phố Huế trong thời gian diễn ra Festival như Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật ASEAN+3... với các sự kiện lịch sử văn hóa Huế, các sự kiện văn hóa chính trị quốc gia.
Đồng thời, lễ hội sẽ kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấn dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên-Huế.
Tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế với những đặc trưng đã được tạo dựng và đánh giá cao, qua các kỳ Festival gần đây.
Đồng chí Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tọa đàm là dịp để Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban tổ chức Festival gặp mặt cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành với Thừa Thiên-Huế trong các kỳ Festival; đồng thời cung cấp thông tin mới và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm quảng bá Festival Huế 2014, có tầm vóc của lễ hội mang tầm quốc gia và có tính quốc tế đến với bạn bè quốc tế nhằm kích cầu du lịch tại Thừa Thiên Huế, với tư cách là một điểm đến hai di sản thế giới được UNESCO công nhận (di sản văn hóa vật thể và phi vật thể).
Trước đó, trong hành trình, đoàn cũng đã đến tham quan các làng nghề truyền thống ở Huế như tìm hiểu và khám phá những nét đặc sắc của tranh làng Sình; trải nghiệm đạp xe trên đường làng sang tham quan làng hoa giấy Thanh Tiên; tham quan chùa Thiên Mụ; đền Huyền Trân Công Chúa; trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, khám phá và trải nghiệm những màn võ thuật của Vạn An phái, Huế.