Đàn Âm Hồn là công trình đàn tế được triều đình nhà Nguyễn lập nên để làm nơi tưởng niệm những đồng bào, binh sĩ yêu nước đã anh dũng hy sinh trong biến cố ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) được nhắc đến với sự kiện "Thất thủ Kinh đô". Qua các tư liệu lịch sử, có thể khẳng định Đàn Âm hồn vừa mang tính "Quốc Đàn" vừa mang tính "Dân Đàn" và là đài tưởng niệm chống thực dân Pháp đầu tiên ở Việt Nam. Đàn Âm hồn có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt nam, là minh chứng hùng hồn về tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc.
Hằng năm, người dân Huế tổ chức lễ cúng những vong linh đã hy sinh trong biến cố Kinh đô Huế, lễ tế thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc góp phần tạo nên một trong những nét riêng về văn hóa và mang tính đặc trưng chỉ có ở vùng đất Huế.
Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu, Địa điểm Đàn Âm hồn đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 26/11/2013.