Tổng cộng 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Lịch sử ngày Quốc tế Hạnh phúc
Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalaya.
Bhutan là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng chỉ số hạnh phúc và đánh giá chỉ số này dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia cao hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ trước và nổi tiếng với việc thực thi các mục tiêu đảm bảo kế hoạch tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.
Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.
Ngày này cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực... qua đó truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc.
Kể từ khi ra đời đến nay, "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" đã trở thành tôn chỉ quốc gia của Việt Nam. Thực tế, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta về Độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đều nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", tiếp nối từ chủ đề "Kết nối yêu thương" của Năm Gia đình Việt Nam 2013.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hiệp Quốc phát động. Ngày 26/12/2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm".
Đề án nhằm mục đích tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ; giữa những người bạn, người đồng chí; trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học…bằng những hành động thiết thực nhất góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là thông điệp mà ngày quốc tế yêu thương ở Việt Nam muốn lan tỏa đến tất cả mọi người.
Các khẩu hiệu tuyên truyền chính hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 bao gồm: "Hãy hành động vì mục tiêu: Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc"; "Hãy tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn". Các hoạt động này được thực hiện thông suốt từ thành phố cho đến địa bàn các tỉnh trên cả nước.