Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 19 tham luận của các tác giả trong nước và quốc tế cùng một số tham luận được các đại biểu chuẩn bị và trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các tham luận tập trung chủ yếu vào 2 nội dung cơ bản: "Những vấn đề chung về Công nghiệp du lịch tàu biển" và "Thế mạnh và định hướng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở các địa phương Việt Nam".
Trong chiến lược tổng thể kết nối ASEAN 2012-2015, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải và các cảng biển, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những nội dung quan trọng. Sự phát triển của ngành công nghiệp du thuyền đang tạo ra những lợi ích rất đáng kể như doanh thu được tạo ra từ những chuyến tàu và du khách; một thị trường việc làm rộng lớn cho cả lực lượng lao động trên bến lẫn dưới thuyền, đồng thời lan tỏa lợi ích đến các ngành kinh tế khác như giao thông vận tải, ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, dệt may và thủ công mỹ nghệ. Thị trường công nghiệp du thuyền Châu Á hiện nay đã có sự hiện diện của những hãng du thuyền hàng đầu thế giới như Royal Caribean Cruise, Carnival Corporation, Star Cruise và những con tàu có sức chứa trên dưới 3000 hành khách và mới lạ như Voyager of the Sea, Sapphire Princess, Costa Atlantica... Từ năm 1990 đến nay, tốc độ tăng trưởng của tổng lượng du khách tàu biển Châu Á hàng năm là 7,38 %.
Là một quốc gia nằm bên bờ biển Đông, với nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, du lịch tàu biển được xác định là loại hình du lịch tiềm năng, phát triển du lịch tàu biển là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh về vùng đất, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế. Chiến lược của Việt Nam là tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, khai thác tối đa tiềm năng biển đảo, trong đó một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển du lịch đường biển. Trong những năm gần đây, ngành du lịch tàu biển Việt Nam đã có bước phát triển khá cả về số lượng khách du lịch, cả về hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; về thể chế chính sách liên quan (hải quan, thủ tục xuất nhập cảnh...).
Đặc biệt Thừa Thiên Huế là địa phương có thế mạnh về biển với chiều dài 128km, có Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới, có cảng nước sâu Chân Mây, một trong 46 cảng được Hiệp hội ACA lựa chọn là điểm dừng chân ở khu vực Đông Nam Á. Không chỉ là cửa ngõ đi vào Thừa Thiên Huế bằng đường biển, cảng Chân Mây còn nằm ở vị trí trung tâm của Con đường di sản miền Trung (Phong Nha, Kẻ Bàng - Cố đô Huế - thành phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn), giữ một vị trí chiến lược với ngành du lịch tàu biển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối phù hợp, hòa vào mạng lưới sâu rộng của các cảng biển, thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch tàu biển xung quanh khu vực Đông Nam Á là một mục tiêu mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết tâm hướng tới.
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hãng du thuyền, các trung tâm điều hành cảng ở Đông Á và Đông Nam Á như Singapore, Hongkong, Philippin tăng cường liên kết với địa phương trong việc xây dựng và phát triển Chân Mây trở thành một trong những trung tâm du thuyền của khu vực Đông Nam Á, mở ra cơ hội để Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp du thuyền và du lịch tàu biển.