Tham dự chương trình có Bộ trưởng phụ trách Văn hóa - Nghệ thuật các quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN; lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại chương trình, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: Chúng ta cùng nhau thưởng thức một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Huế - thành phố văn hóa của ASEAN. Với việc công nhận thành phố văn hóa ASEAN, không chỉ tăng cường sự liên kết và bản sắc ASEAN mà còn tạo cơ sở thắt chặt tình hữu nghị lâu bền giữa nhân dân ASEAN và nhân dân các nước đối thoại.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Chương trình nhằm tôn vinh các giá trị và nền văn hóa tiêu biểu của mỗi quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối thoại. Đây là biểu tượng của tính đa dạng và phong phú của các nền văn hóa, không chỉ trong cộng đồng ASEAN mà của các dân tộc trên thế giới.
Sau tiết mục mở đầu, màn rước cờ và cử hành bài hát ASEAN hymn - bài hát truyền thống ASEAN, 15 tiết mục nghệ thuật tiêu biểu của các nước trong cộng đồng ASEAN và 3 nước đối thoại được lần lượt trình diễn đã thể hiện những nét đẹp nghệ thuật tinh túy, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia trong khu vực, đã thắt chặt thêm tình hữu nghị, đoàn kết và sự hợp tác toàn diện giữa các quốc gia trong cùng một tổ chức đoàn kết, thắm tình hữu nghị.
Chiếm thời lượng khá nhiều trong đêm diễn, Đoàn nghệ thuật Pesona Nusantara (Indonesia) thể hiện vẻ đẹp “o quan dao” sáng tạo trên nền múa truyền thống thể hiện sức trẻ, niềm vui, sự duyên dáng.
Đoàn múa quốc gia Bayanihan to (Philippines) là sự tổng hợp của những nét văn hóa đa sắc tộc: múa vùng cao mô phỏng lễ tế dân tộc, múa ảnh hưởng phong cách Tây Ban Nha, phong cách đạo Hồi, múa mô phỏng đời sống nông thôn hiện nay. Đặc biệt, các nghệ sĩ trong đoàn còn đầu tư tập ca khúc Lý Quán dốc bằng tiếng Việt Nam khiến cho khán giả vỗ tay hoan hô không ngừng.
Xứ chùa vàng mang đến điệu múa với những âm thanh vui tai tạo ra từ những chiếc gáo dừa.
Đại diện 3 nước đối thoại, đoàn Nanto (Nhật Bản) làm người xem xúc động với điệu múa thể hiện trên nền nhã nhạc cung đình, kể lại câu chuyện chàng trai anh dũng đi tìm giết quái vật đã hại cha mẹ mình. Được biết, tiết mục này được lưu truyền từ thế kỷ thứ 8 cho đến nay. Điều đặc biệt, tác phẩm này được du nhập vào Nhật Bản thế kỷ thứ 8 bởi một nhà sư người Chăm pa ở Việt Nam.
Với nhiều sắc màu, nhiều phong cách, Liên hoan nghệ thuật ASEAN hấp dẫn khán giả từ đầu chí cuối. Không chỉ tôn vinh một loại hình nghệ thuật, liên hoan đã đạt được mục tiêu khi giúp những con người, những quốc gia, những dân tộc thêm hiểu biết và yêu mến nhau hơn.
Chùm ảnh tại Liên hoan: