Bên lề lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN+3 ( AMCA+3) được tổ chức tại thành phố Hueesu ngày 20 tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa với thông điệp "Văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại ASEAN".
Điều dễ nhận thấy đó là những năm gần đây, một số nước trong khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã lọt vào Top những điểm đến mới nổi hấp dẫn toàn cầu. Điều này sở dĩ có được chính là bởi sức hút từ nền văn hóa truyền thống của khu vực Châu Á. Bên cạnh đó sự tăng trưởng về du lịch cũng cho thấy định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ASEAN đó là thúc đẩy phát triển du lịch.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Khu vực Đông Nam Á hiện đang sở hữu 33 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Những di sản này là những công trình có giá trị nổi bật toàn cầu, đặc biệt là giá trị văn hóa, lịch sử. Đây chính là điểm nhấn, thu hút khách du lịch từ khắp nơi tới khu vực ASEAN ”.
Trong Hội nghị lần vừa qua, lần đầu tiên trong Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa, Nghệ thuật ASEAN +3 ghi nhận sự thành công trong việc mở rộng đối thoại hợp tác với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2014 này cũng được chọn là Năm Giao lưu văn hóa ASEAN - Trung Quốc. Nhật Bản hiện đang đề xuất chính sách mới về giao lưu văn hóa Châu Á với dự án mang tên "Hướng tới Châu Á tương tác thông qua sự Liên kết và Hòa hợp". Hàn Quốc đang triển khai kế hoạch phát triển Khu liên hợp Văn hóa Châu Á tại Gwangju.
Bởi tầm quan trọng và không thể thiếu được của văn hóa trong việc thúc đầy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực, ngân sách cho các hoạt động của ASEAN luôn dành phần nâng cao nhận thức của thanh niên về ASEAN nói chung và văn hóa nói riêng. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: "ASEAN luôn chú trọng nâng cao nhận thức của thanh niên về ASEAN thông qua giáo dục. Dự án Sách nguồn ASEAN dành cho học sinh tiểu học và trung học được phát triển từ năm 2012 và có nhiều Nội dung về Văn hoá ASEAN. Chúng tôi đang thảo luận về các giải pháp thực hiện dự án Sách nguồn như một Tài liệu bổ sung trong khuôn khổ những hình thức giới thiệu về Asean trong trường học. Khoá học nghiên cứu ASEAN đang được thực hiện trong khuôn khổ Mạng lưới Trường Đại học ASEAN dành cho các sinh viên chưa tốt nghiệp để nhấn mạnh hơn nữa việc học văn hóa và ngôn ngữ trong ASEAN. Trong kế hoạch tổng thế về kết nối ASEAN, liên kết giữa con người và con người là chất xúc tác về Văn hóa - Xã hội, hỗ trợ nhiều sáng kiến khác nhau hướng đến việc thiết lập kết nối rộng về cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho những cải cách về thể chế và chính sách cần thiết để đảm bảo kết nối lâu bền thể chế trong khu vực ASEAN. Để thực hiện công việc này, ASEAN tập trung vào một số sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hiểu biết về Văn hóa - Xã hội ASEAN và khuyến khích việc đi lại Nội khối của người dân ASEAN.
Bên cạnh đó những chương trình giao lưu, hợp tác, biểu diễn nghệ thuật trong khu vực cũng là dịp để các quốc gia có thêm hiểu biết về văn hóa của nước bạn và trao đổi kinh nghiêm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong việc phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Để khẳng định rõ hơn nữa tầm quan trọng của văn hóa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói: "Năm 2013, số lượng khách du lịch ASEAN đã tăng lên 12%, đạt con số 90,2 triệu lượt. Con số trên đã cho thấy hướng đi đúng khi các quốc gia trong khu vực ASEAN đã tập trung vào việc quảng bá văn hóa, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc".