Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu đến tham dự và đông đảo con cháu họ Đặng đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhân dân đã dành phút tưởng niệm, tưởng nhớ đến công lao to lớn của danh tướng Đặng Dung, người anh hùng của dân tộc trong phong trào đánh đuổi giặc Minh, đầu thế kỷ XV.
Đặng Dung sinh năm 1373, là con trưởng của Quốc công Đặng Tất, quê ở huyện Thiên Lộc, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh. Lớn lên ông sống ở Hóa Châu - Thuận Hóa, làm quan cho triều nhà Trần. Thời gian cuối nhà Trần, đầu nhà Hồ, đất nước đầy biến động trước nạn xâm lược của nhà Minh, Đặng Dung trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Ngoài việc cầm quân đánh giặc, Đặng Dung còn là một nhà thơ lỗi lạc, ông có bài thơ “Cảm hoài” kiệt tác lưu lại hậu thế, nói lên khí tiết của mình, nỗi niềm uất hận thương cảnh nước mất nhà tan. Ông mất vào năm 1414.
Lễ tưởng niệm 600 năm ngày hy sinh anh dũng của danh tướng Đặng Dung là một sự kiện chính trị, văn hóa mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh của cả gia đình Đặng Tất, Đặng Dung và các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước.
600 năm qua, Đồng bình chương sự Đặng Dung không còn xa lạ với người dân, cuộc đời và sự nghiệp của ông được ghi nhận và đánh giá trân trọng trong lịch sử Việt Nam. Cũng trong dịp tưởng niệm 600 năm ngày hy sinh của danh tướng Đặng Dung, Hội đồng Đặng tộc Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh và Hội đồng Đặng tộc Thừa Thiên Huế tổ chức lễ an vị tượng đồng Đặng Dung, tượng được đúc từ sự quyên góp qua cuộc vận động "Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân" do Hội Khoa học lịch sử phát động, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là con cháu họ Đặng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước về tham dự.
Hiện miếu thờ Quốc công Đặng Tất, trong đó có thờ danh tướng Đặng Dung ở làng Thế Vinh, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang đã được xếp hạng di tích lưu niệm danh nhân cấp Tỉnh Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích, hiện chính quyền địa phương phối hợp với Hội đồng Đặng tộc và các tổ chức xã hội đã có nhiều giải pháp góp phần tôn tạo, bảo tồn điểm di tích nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các danh tướng đã có nhiều công lao đối với dân tộc.