Về Huế... mùa Phật Đản
Lượt đọc: 119834Thời gian: 11:33 - 12/05/2014

         (VHH) - Đã bao lần tôi tự hỏi, không biết người Huế hiền hòa vì sông Hương, núi Ngự mộng mơ; người Huế trầm tư vì thành quách, lăng tẩm cổ kính hay người Huế sâu lắng vì được sinh ra giữa mảnh đất được coi là cái nôi của Phật giáo này. Và khi tháng 4 về, khi Huế vội vã thay lên mình không khí oi ả đặc trưng của dải đất miền Trung đầy nắng gió, thì người dân nơi đây cũng hân hoan chào đón không khí an lạc và sâu lắng trong mùa Phật Đản.

Có lẽ, chẳng có nơi nào còn lưu giữ biết bao nét đẹp thâm trầm, đáng quý rất riêng như vùng đất Cố đô một thời này. Người ta nói Huế là Trung tâm Phật giáo lớn, là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Phật giáoquả không sai. Hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có những ngôi Tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như Chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Trà Am, Vạn Phước... Chính vì vậy, nơi đây không chỉ có mật độ chùa dày nhất, mà tín đồ Phật giáo cũng chiếm một tỷ lệ rất đông. Bên cạnh đó, hằng năm, các hoạt động Phật giáo luôn được tổ chức một cách trang nghiêm và long trọng. Phật giáo Huế vẫn còn đó những nét riêng chốn thiền môn như chưa hề bị suy chuyển bởi những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Có phải vì thế, bên cạnh những sắc thái tiêu biểu mà người ta hay nhắc đến như: Món ăn Huế, giọng nói Huế, áo dài Huế... thì còn có Phật giáo Huế - nét văn hóa riêng có của vùng đất này.
Tôi vẫn nghĩ, giữa dòng đời xô bồ nhiều cạm bẫy, giữa đúng và sai lẫn lộn; đôi khi, mỗi người cần lắm một điều gì đó để nương tựa, để vững vàng, để hy vọng... Có lẽ, người ta tìm đến niềm tin thiêng liêng vào Đạo Phật, để trái tim sẽ biết giác ngộ, biết hướng thiện, biết lấy chân, thiện, mỹ làm gốc... Hình như, chính lúc ấy, con người sẽ biết vị tha, biết chở che và yêu thương nhau hơn. Vì vậy, mùa Phật Đản trong năm đã trở thành một trong những khoảng thời gian có giá trị tâm linh cao đối với Phật tử nói riêng và người dân nói chung. Và ở giữa lòng đất Huế, niềm hoan hỷ ấy càng trở nên ý nghĩa và dễ cảm nhận hơn bởi nét đẹp lễ hội Phật giáo chốn này.
Mùa Phật Đản diễn ra, Huế khoác lên mình một vẻ đẹp thân thiện, trang nghiêm và đầy thành kính. Đại lễ Phật Đản đối với người Huế không thuần túy mang sắc màu văn hóa tâm linh, mà đó là lễ hội được đông đảo quần chúng nhân dân, tăng ni, Phật tử trông chờ. Lễ hội này đã lan truyền kết nối những thông điệp của hạnh phúc, đánh thức sự hướng tâm và an lạc, để cho mỗi người con Phật ở xứ sở "Thần kinh" được thực hành hạnh nguyện, sống theo lời Phật dạy. Tôi luôn nghĩ, mùa Phật Đản là mùa Huế đẹp nhất trong năm. Đẹp với 7 đóa sen hồng lung linh trên sông Hương; đẹp bởi những cánh hoa đăng dập dìu trước bến Văn Lâu; đẹp bởi lễ Mộc dục diễn ra ở các chùa hay bởi lễ rước Phật trang nghiêm từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm; đẹp bởi cảnh những phố phường được trang hoàng nhiều màu sắc...
 
 
Đến Huế trong mùa Phật đản, bạn sẽ được thưởng lãm 7 đóa hoa đăng khổng lồ ngay chính giữa dòng sông Hương mang chủ đề "Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh". Mỗi bông hoa sen nặng 300kg, đường kính 7,6m, cao 3,7m, làm bằng chất liệu sắt và vải lụa hồng đặt trên một bệ phao nổi. 7 hoa sen được sắp đặt theo một trục đường thẳng, xuôi theo dòng nước, ngay chính giữa dòng sông Hương; mỗi hoa cách nhau 20 mét, tổng chiều dài là 169m. 7 hoa sen được kết nối liên hoàn với nhau bằng 2 sợi dây thừng, nằm khuất dưới mặt nước, giữ đúng khoảng cách 20m... 7 đóa hoa sen tỏa sắc giữa dòng Hương tượng trưng cho bảy bước chân của Phật Thích Ca luôn chứa đựng nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Rồi từ đó, khi người ta qua bờ Bắc, khi người ta ngược về bờ Nam, ai ai cũng muốn nán lại, lắng lòng ngắm nhìn những đóa sen hồng. Hoa dịu dàng trong trong bình minh tinh khôi, hoa khẽ khàng trong hoàng hôn dịu nắng. Nhưng có lẽ, trong cái huyền hoặc của màn đêm, 7 ngọn hoa đăng được thắp sáng giữa dòng Hương mới toát lên sự tinh khiết cao cả. Khi 7 đóa sen hồng được thắp sáng trên dòng Hương thơ mộng cũng là lúc báo hiệu mùa Phật Đản đã về. Hình ảnh của Đức Phật như đang bước đi từng bước, như đang dẫn dắt chúng sinh đi từng ngày. Để rồi, theo lời Phật dạy, mỗi bước chân là mỗi bước sen nhắc nhở hãy sống một cuộc đời đầy thanh cao, thơm ngát như những đóa sen kia. Và mỗi người đều thấu hiểu rằng, phải sống, phải hướng thiện, phải sẻ chia để Đức Phật trong chính chúng ta đều đản sinh mỗi ngày.
Với lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm, bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp truyền thống văn hóa Phật giáo rất riêng ở Huế. Nghi thức này nhằm tỏ bày tâm niệm ngưỡng mộ, chí thành, lòng tôn kính vô biên của Phật tử trong ngày Đản sinh. Đồng thời, nó mang thông điệp hòa bình đến với nhân loại với ý nghĩa giáng trần nhập thế của Đức Phật càng thêm rạng rỡ. Giây phút khi được hòa mình trong dòng người rước Phật và trang nghiêm trong áo tràng thành kính thật thiêng liêng. Để rồi, dòng người cứ đi từng bước thật chậm, thật chậm ngang qua từng con đường, từng góc phố quen thuộc và chân thành nguyện cầu trong ngày đại lễ. Cái cảm giác của sự an lành, sự giác ngộ của mỗi người như lan tỏa cho nhau, để nụ cười ai cũng rạng rỡ, trái tim ai cũng rộn ràng. Sau khi cử hành lễ Mộc dục ở lễ đài chùa Diệu Đế, đoàn rước Phật khởi hành qua cầu Gia Hội, từ từ đi qua đường Trần Hưng Đạo, rẽ trái qua cầu Trường Tiền đến đài Thánh Tử Đạo, đi dọc đường Lê Lợi, rẽ trái Điện Biện Phủ và dừng lại đầu đường Sư Liễu Quán. Lúc này, kim thân Đức Phật sẽ được cung nghinh tôn trí tại lễ đài chùa Từ Đàm. Chính lúc ấy, buổi lễ kết thúc viên mãn, trong niềm hân hoan của dòng người đi rước Phật.
 
 
Và trên sông Hương, bạn sẽ được chứng kiến quang cảnh thả đèn hoa đăng trước bến Văn Lâu. Phong tục này đã trở thành một trong những nghi thức tiêu biểu của đại lễ. Đèn để phóng đăng thường làm theo hình dáng hoa sen nên có tên gọi là "Liên Hoa Đăng". Có lẽ, đón lễ Phật Đản ở Huế thì phải một lần thả trôi ngọn đèn hoa đăng trên sông Hương thì mới cảm nhận được đầy đủ không khí của lễ hội này. Từng bông hoa đăng được thắp nến sáng rực, được thả theo dòng nước cùng ước nguyện, cùng lời chúc an lành của mỗi Phật tử. Nghi thức giàu tính nhân văn này đã trở thành nét văn hóa truyền thống, và ngày càng được nối tiếp, kế thừa bền vững. Chính khoảnh khắc khi hàng trăm ánh hoa đăng lững lỡ trôi, tôi nhận ra rằng, có lẽ như dòng Hương Giang chưa bao giờ đẹp hơn thế, chưa bao giờ huyền diệu hơn thế; tựa như một tấm vải nhung đen tuyền đã được bàn tay của người thợ dệt tài hoa nào đó khéo léo điểm xuyến những viên kim cương sáng lấp lánh. Trong cái không gian huyền ảo đó, ai ai cũng dõi theo, cũng thả mình, cũng muốn hòa tan vào khoảnh khắc thăng hoa của tạo hóa. Ước nguyện riêng của mỗi người như hòa chung vào ước nguyện của nhiều người. Ánh mắt càng lấp lánh, nụ cười càng thân thương... Tôi cứ tin, dòng Hương hiểu hết, nó hiền hòa ôm ấp biết bao tâm tư, biết bao nguyện vọng và đất trời cũng đang ngân vang lên lời chúc cát tường, vui vẻ về giữa lòng người, về giữa quê hương.
Đến Huế trong dịp này, bạn cũng sẽ được dịp đi loanh quanh thành phố, nhìn nhà nhà treo đèn kết hoa, nhìn vỉa hè bày bán những gánh lồng đèn đủ màu sắc, nhìn đường phố sắp đặt các biểu tượng Phật giáo... Từ đại lộ cho đến hẻm nhỏ, từ thành phố đến miền quê, những sắc màu long lanh đó tô điểm thêm cho nét đẹp lung linh và mang chút trầm tư xứ Huế. Có phải, được tự tay trang hoàng và sắp đặt nào hoa, nào đèn, nào cờ... chính là những tình cảm chân thành nhất của mỗi người, mỗi nhà gửi đến cõi tâm linh trong Đạo Phật.
Nếu bạn đã từng đến Huế mà chưa một lần được ghé thăm ngôi chùa nào thì cũng xem như bạn chưa thực sự đến vùng đất này. Chùa Huế đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống văn hóa tâm linh của nơi đây. Thường thì các ngôi chùa luôn có không gian rộng rãi và yên bình, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và tươi đẹp. Để rồi, khi bước chân vào đó, lòng người càng man mác, càng suy tư.
Xuôi dòng Hương giang về phía Tây thành phố, bạn sẽ được ghé thăm ngôi chùa được xem là cổ nhất ở Huế: Chùa Thiên Mụ. Nơi đây gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là Chùa Thiên Mụ. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, mở rộng và phát triển từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào "Thần kinh nhị thập cảnh". Đến tận ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn giữ nguyên nét đẹp đầy cổ kính một thời, vẫn trầm tư soi bóng xuống dòng Hương thơ mộng. Tôi cũng không biết từ bao giờ, hình ảnh chùa Thiên Mụ đã đi vào thơ ca, nhạc họa và trái tim mỗi người để trở thành biểu tượng rất riêng của xứ Huế.
 
 
Băng qua cầu Gia Hội, ven theo bờ sông Hộ Thành, bạn sẽ được đến thăm chùa Diệu Đế. Vì ngôi chùa này nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên đã có cảnh quan với vườn tược rộng rãi và cây cối xanh tươi. Có lẽ, cái tên Diệu Đế gắn liền với chùa bởi chính không gian tuyệt đẹp nơi đây: "... đó là nơi hun đúc và thể hiện nét văn hoá vô cùng tuyệt diệu, tận nguồn cội thâm uyên đều được hiển bày qua chân như mật đế...". Năm 1844, nhà vua đã tôn tạo nơi đây và sắc phong làm Quốc tự. Đối với riêng tôi, vẻ đẹp chùa Diệu Đế như trường tồn cũng thời gian, màu xanh diệu vợi của những vòm cây nơi đây như song hành cùng lịch sử. Hình như, cũng là màu xanh của tán cây, của lá hoa; nhưng sao ở nơi đây, màu xanh nó lại an yên đến thế. Để rồi, hòa mình dưới vòm lá xanh tươi đó, để tiếng chim lảnh lót bất chợt ngân lên, ta cứ ngỡ như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Và trong hành trình thăm chùa Huế, chắc chắn bạn sẽ phải ghé chùa Từ Đàm, niềm tự hào của Phật giáo Huế. Ngôi chùa được khai sáng vào khoảng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho chùa là "Sắc Tứ Ấn Tông Tự". Đến năm 1841, chùa được vua Thiệu Trị đổi tên thành "Từ Đàm Tự". Chùa Từ Đàm là nơi diễn ra đại hội thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam và ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới năm 1951. Có thể nói, nơi đây là trung tâm diễn ra rất nhiều nghi thức, lễ hội quan trọng của Phật giáo. Cũng chính vì vậy, đến chùa Từ Đàm trong những ngày lễ chính của Phật giáo đã trở thành nét đặc trưng riêng của vùng đất này. Hình như, cứ mỗi lần đến đây, trái tim ai ai lại lưu luyến không muốn trở về, hay là trái tim đã tìm được một bến đỗ bình an lắm. Và khi rời bước, lòng tôi luôn khẽ ngân lên giai điệu trong bài hát quen thuộc "Từ Đàm quê hương tôi" của nhạc sỹ Nguyễn Thông: "Ôi ! anh linh bóng chùa Từ Đàm, nơi Bắc Nam nối nguồn Đạo Vàng ... Từ Đàm ơi !"
Mỗi ngôi chùa đều mang những dấu ấn lịch sử, những không gian thiên nhiên rất riêng và đặc sắc. Nhưng dẫu có thế nào, dưới mỗi mái chùa, người với người như được nối kết, gắn bó bằng lòng tư bi, bằng sự vị tha, bằng trái tim biết yêu thương. Đôi khi, bất chợt lặng nghe tiếng chuông chùa trong một buổi chiều xứ Huế, khiến lòng người như tìm về một chốn an lạc, xa xăm lắm. Tôi vẫn cứ thích cái cảm giác yên bình khi bước vào không gian của ngôi chùa, cái cảm giác an lành khi được nguyện cầu trước Chánh điện cho những người tôi yêu thương, cái cảm giác dường như tìm thấy chính tôi và được sống thật với mình nhất... Lễ chùa trong mùa Phật Đản đã trở thành nét đẹp văn hóa trong lòng mỗi người, như để tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật và đã trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng rất đặc trưng của vùng đất Cố đô.
Mùa Phật đản năm nay đã đến, cũng như bao nhiêu mùa Phật đản đã qua, tôi, bạn và mọi người sẽ cũng nguyện cầu cho mỗi người, cho mỗi nhà, cho quê hương luôn bình yên, cầu mong những điều tốt lành và hạnh phúc nhất sẽ đến với người, mỗi nhà.
Trần Văn Dũng - Võ Thị Mỹ Hương
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày