Văn hóa đồng hành với sự phát triển
Lượt đọc: 109434Thời gian: 08:30 - 16/05/2014
         (VHH) - Từ ngày 8 đến 14/5/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị lần này đã bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước trong thời gian tới. Trong số đó, một nội dung quan trọng là Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Có thể nói, khái niệm "văn hóa" đang ngày càng được nhận thức một cách đúng đắn và ngày càng trở nên quan trọng. Đối với một quốc gia, đây là một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu để phát triển bền vững.
Và Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ khi cách đây 15 năm, quá trình "mở cửa", đổi mới kinh tế - xã hội đang có những bước đi ban đầu khá vững chắc, chúng ta đã có riêng một văn bản rất quan trọng làm nền tảng cho văn hóa trong tổng thể sự phát triển của đất nước. Đó là Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được ban hành vào tháng 7/1998".
Với một quốc gia đang phát triển và đổi mới như Việt Nam, trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới, ắt sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ trong mọi lĩnh vực. Và văn hóa chính là một lĩnh vực chịu những tác động lớn nhất về cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 5 đã thẳng thắn chỉ ra những thành tựu và cả những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa mà Việt Nam đối mặt trong quá trình phát triển.
Trong đó, điểm nổi bật nhất của các thành tựu là "Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của vǎn hóa, đã có những chuyển biến quan trọng. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo ngày càng tỏ rõ giá trị vững bền làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng nước ta, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho đời sống tinh thần xã hội phát triển đúng hướng;
Ý thức phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm và nǎng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, Đảng viên được nâng lên một bước; Nhiều nét mới trong giá trị vǎn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành; tính nǎng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và nǎng lực cá nhân được khuyến khích; Không khí dân chủ trong xã hội tǎng lên;
Thế hệ trẻ tiếp thu nhanh những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân vǎn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn... trở thành phong trào quần chúng; Tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng được tôn trọng.
Sự nghiệp giáo dục, khoa học thu được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, trình độ học vấn của nhân dân, làm tǎng thêm sức mạnh nội sinh...". Điều này đã được khẳng định trong thời gian qua, mà nổi bật là việc tổ chức, tính hiệu quả, thiết thực của cuộc vận động chính trị lớn "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh", đã và đang đi vào đời sống xã hội một cách mạnh mẽ và sâu rộng.
Đồng thời, “trên lĩnh vực vǎn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới; nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ. Có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới; nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng vǎn hóa dân gian và vǎn hóa bác học Việt Nam trong nhiều thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc;
Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ vǎn nghệ cách mạng và kháng chiến, đẩy lùi một bước những quan điểm sai trái...". Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những "điểm sáng" như việc bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị của những di sản văn hóa chẳng hạn.
Trong thời gian qua, chúng ta đã có tổng cộng 19 di sản thế giới được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận, gồm 2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa vật thể, 8 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu và 1 di sản địa chất toàn cầu.
Bên cạnh các thành công có tính chất tiêu biểu đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về những yếu kém mà "bộ lọc văn hóa" chưa sàng gạn được. Đó là một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận các tầng lớp nhân dân. Đã và đang có những biểu hiện “lệch chuẩn” diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Không ít trường hợp tiêu cực xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật... được các phương tiện truyền thông phát hiện trong thời gian qua. Những sự việc ấy được các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời, công minh và nghiêm khắc, đã góp phần củng cố lòng tin của người dân.
Tất cả những tồn tại trên đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan và đó cũng là thách thức cho sự phát triển mà bất cứ quốc gia nào cũng phải thường xuyên đối mặt. Để giải quyết những vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chủ yếu.
Đây có thể coi là những "bao quát ở tầm chiến lược những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận về văn hóa của Đảng ta, có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa của thời kỳ đổi mới" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định.
*
* *
Khi bàn về Nghị quyết Trung ương 5, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tập trung trả lời câu hỏi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên: "phải chăng trong hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng?
Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết chưa tốt, chưa nghiêm? Vì tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông?...
Đó cũng là cơ sở, để "cùng với sự phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Trung ương xem xét, quyết định về sự cần thiết của việc kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII để ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với những nội dung đổi mới cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Và đó cũng chính là niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc-một nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Huy Anh (Thời báo Ngân hàng)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày