Theo sử sách, đêm 4/7/1885, quan phụ chính Tôn Thất Thuyết chỉ huy quân triều Nguyễn chống Pháp, đánh vào sào huyệt giặc ở Mang Cá và khu Tòa Khâm sứ. Sau đó, quân Pháp tổ chức đánh lại và quân triều Nguyễn thua trận. Địch chiếm thành và đốt phá, hãm hiếp, giết chóc, cướp bóc không từ một ai. Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm xảy ra. Hầu như không có gia đình nào lại không có người bỏ mạng trong biến cố này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là số dân chúng ở trong thành. Kinh thành thất thủ ngày 23/5 năm Ất Dậu, nhằm ngày 5/7/1885.
Tập tục cúng âm hồn trong ngày thất thủ Kinh đô năm 1885 đã được triều đình nhà Nguyễn và người dân Huế tiến hành ngay những năm sau đó, thể hiện nghĩa đồng bào, đồng chủng, nỗi tiếc thương của những người sống sót đối với những người đã tử nạn trong sự kiện trên. Lễ cúng này được người Huế kế tục lại cho đến ngày nay, ở ngôi miếu âm hồn được thành lập lâu năm nhất và đã được nhiều lần tu sửa tại ngã tư đường Lê Thánh Tôn và đường Mai Thúc Loan hiện nay, vừa qua đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Nhiều năm nay, Ban cúng tế Phổ Vĩnh Nghĩa được thành lập để lo việc cúng tế này.
Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục của người Huế. Năm nay Lễ tế Âm hồn vẫn được tổ chức một cách trang trọng, đầy đủ các nghi lễ, với sự tham gia của đông đảo người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Không chỉ ở đây, mà trong nhiều xóm phố và nhiều gia đình, người Huế cũng tổ chức cúng tế âm hồn, từ ngày 23-30/5 âm lịch.