Rời thành phố Huế, đi về phía Đông khoảng 2 km, ta đột nhiên cảm thấy nhẹ nhõm thênh thang khi đi ngang qua khoảng đồng rộng mênh mông xa tít tắp chân trời với hai bên là những thửa ruộng đang thì con gái tỏa ngát hương khi lúa lên đòng và cho ta sắc màu vàng rộm khi mùa lúa chín. Chưa đầy 10 phút, xe đã đến đình làng Thanh Thủy Chánh - ngôi đình xưa với nét kiến trúc cổ kính - mà tất cả con dân trong làng từ cụ già 80 tóc bạc đến trẻ nhỏ mới lên năm, lên ba, tóc húi cua, mỗi khi đi ngang qua đình làng đều phải kính cẩn trước sự uy nghiêm và thiêng liêng vốn có từ bao đời nay.
Từ ngôi đình, thong thả rảo bộ trên con đường làng sạch sẽ, râm mát dưới lũy tre xanh, đến với chiếc cầu xinh xinh và thơ mộng bắc qua con hói nhỏ chảy qua làng. Sử sách còn ghi lại rằng, xưa có bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan đầu triều dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1796) vì không có con đã bỏ tiền ra xây dựng chiếc cầu ngói này để cầu tự và làm phước cho dân làng hai bên bờ hói qua lại được thuận tiện. Dáng cầu cong cong được kết cấu bằng các loại gỗ quý, trên cầu có mái che lợp bằng ngói ống tráng men. Qua thời gian lịch sử thăng trầm, qua thử thách của thời tiết khắc nghiệt mưa gió bão lụt thường xuyên nhưng những giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo vẫn được gìn giữ, bảo tồn và cây cầu vẫn đứng vững nguyên vẹn hình dáng như xưa. Vào trong cầu, cảm giác mát mẽ thật dễ chịu. Những buổi trưa hè, dân làng thường ra đây uống bát nước chè xanh, ngồi hóng mát, nghỉ ngơi lấy lại sức cho những công việc còn lại buổi chiều. Chiếc cầu là nơi hẹn hò, tình tự của trai gái lứa đôi dưới trăng thanh gió mát.
Chợ xưa trên mảnh đất nhỏ nằm ngay sát chân cầu với mấy gian lều tranh núp dưới bóng cây cổ thụ. Sản vật, hàng bánh được bày trên mấy chiếc chỏng tre đơn sơ mộc mạc nhưng ngay ngắn, sạch sẽ, tươm tất. Tuy là cái chợ làng quê nhỏ nhưng mùa nào thức ấy chẳng thiếu thứ gì. Rau, cải, bầu, bí tươi tốt. Ớt xanh, ớt đỏ, hành, ngò, rau thơm, rau quế mỗi thứ một hương. Mấy mớ mồng tơi xanh rờn, mớ bông lý hồng tươi, mớ rau tập tàng với đủ thứ rau ngót, rau dền, rau má, mã đề; vài bó môn sen tim tím, ít bó đọt bí mập mạp, rồi cà chua, cà pháo, cà tím trông bắt mắt. Rau cải chợ này tươi mà "rẻ như cho". Bông, cam, chuối, quýt trong làng không những đủ đơm cúng quanh năm mà còn bán sỉ đem lên các chợ Huế. Tôm, cá đầm Chuồn gánh lên vẫn còn quẫy búng tanh tách. Cá lóc, cá rô, cá trê bắt được ngoài đồng bụng béo vàng ươm.
Mấy thứ "ăn để mà chơi", tuy không phải là nổi tiếng một vùng thì cũng "ăn một lần nhớ một đời". Bánh bèo, bánh nậm với tôm chấy nguyên chất không bỏ thêm đậu xanh pha phẩm màu như nhiều nơi khác. Bánh cuốn mềm mại với thịt heo ba chỉ chấm nước mắm cá nục ngọt lịm; bánh đúc với mắm nêm ớt tỏi cay xé miệng mà ngon; bánh khoái mỏng và dòn; bánh bột lọc nhân tôm thấm tháp; bánh canh cá lóc ngọt ngào hương vị đồng quê. Ăn các món bánh xong, tráng miệng với chén đậu hủ có bỏ lá dứa thơm, chén chè hột sen nấu với đường phèn trắng ngọt thanh mà bùi; rồi nào là chè khoai tía, chè bắp, chè bông cau, chè đậu ván sạch sẽ thơm tho. Còn có món kẹo kéo hay kẹo gừng mà người già, trẻ con đều thích. Đường bánh đen nấu đến độ dẻo thì đập vào một nhánh cây, rồi kéo ra, đập vào nhiều lần, mãi cho đến lúc kẹo có màu trắng vàng thì thôi. Khi bán, kẹo được kéo ra bằng gang tay rồi bẻ một cái rắc rất điệu nghệ. Nếu không, người ta có thể cắt kẹo thành hình thoi - do đó còn gọi là kẹo ú. Sản phẩm thủ công trong làng có sáo tre, nón lá, gióng mây, rổ rá, nong, nia, dần sàng...
Những hình ảnh "chân lấm tay bùn" của nhà nông ngày xưa vẫn còn bắt gặp đâu đây. Từng khoang nước ào ào liên tục đổ vào mảnh ruộng cao từ chiếc xe đạp nước được chuyển động bởi đôi vợ chồng trẻ ngồi trên dàn tre rung rinh theo guồng đạp. Tiếng những lá gỗ kéo lên thành xe kêu nhộn nhạo tạo nên âm thanh hối hả vang cả cánh đồng. Nếu chưa có đôi cặp thì một mình cô gái vẫn phải xắn quần tát nước bằng gầu giai. Mùa lúa chín, từng đoàn người gánh lúa về làng, sắp từng bó tròn ở giữa sân nhà để tối đến dẫn trâu về đạp. Nhiều khi đến gà gáy sáng rơm rạ mới xong. Chiều hôm sau lúa vàng đã khô khén đầy sân lại đem xe ra quạt cho sạch sẽ rồi đổ vô bồ. Lúa mới bỏ vào cối xay vẫn còn thơm mùi sữa. Phụ nữ trong nhà phải vất vả xay giã rồi dần sàng để có được những hạt gạo trắng ngần. Gặt hái song, những người đàn ông rảnh rỗi tay cầm nơm, lưng đeo giỏ, rủ nhau ra đồng thì tha hồ có cá ăn. Không có gì sướng bằng cơm gạo mới ăn với cá trê đồng kho tộ với ớt tươi. Ngoài kia, mấy cái chòi rớ còn cắm đợi ở khúc sông, xa xa lão ngư ông vẫn một mình ngồi buông câu trên chiếc thuyền nan mong manh giữa dòng sông vắng.
Khi vào thời gặt hái, ai nấy đều ra đồng. Đến buổi nông nhàn, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, "hội hè đình đám". Trẻ con thì đánh bi, đánh đáo; thanh niên trai tráng thì hội vật, kéo co. Các mẹ, các chị thì trổ tài chằm nón, các bác, các chú thi nhau thắt gióng, đan rổ. Tết đến dân làng cùng nhau dựng chòi chơi bài. Tiếng rao bài, tiếng mõ, tiếng hò vang rộn cả một góc làng. Đêm đến, vài cụ già ngồi trên cầu uống rượu ngâm thơ, ca Huế hoặc nói chuyện đời.
Bức tranh quê như một cuốn phim cứ lặp đi lặp lại, ăn sâu vào tâm khảm của biết bao người dân quê. Mỗi buổi sáng tinh sương trở dậy tất tả ra đồng, ngang qua xóm thấy bầy gà con mới nở ríu rít quanh đống rơm vàng; trưa về lại nghe văng vẳng lời mẹ ru con ngủ; chiều về, lũ trẻ con ngồi lưng trâu khúc khích vui đùa và thả diều ngoài đồng nội. Và mỗi khi đêm về, dưới ánh trăng nghe tiếng hò giã gạo trai gái đối đáp nhộn nhịp cả một góc làng. Tất cả cùng hòa quyện thành một bức tranh quê tràn đầy hướng sắc, làm say đắm lòng người viễn xứ, tưới mát tâm hồn, xua tan những bụi trần và ghi sâu mãi trong ký ức một tình yêu quê hương hiền hòa, mộc mạc, đằm thắm không bao giờ phai.