Trong mối quan hệ biện chứng ấy thì "Học tập" và "Học tập suốt đời" của một con người được coi như điểm khởi đầu, và trong một chừng mực nào đó, có thể nói nó không có hồi kết. Nghĩa là khi người ta còn sống, còn hít thở không khí, thì con người ta vẫn phải ăn, mặc, ở, đi lại, lao động và học hành…
1."Học tập suốt đời" - Nhìn từ góc độ giáo dục và đào tạo
Trong hành trình của một đời người, điểm xuất phát, điểm khởi đầu là cắp sách đến trường để học chữ, học viết và học nói (tức là học trình bày, phát biểu suy nghĩ của mình trước đám đông, khác với tập nói khi bé còn ở nhà, mới 2-3 tuổi) và học tri thức để nhận thức thế giới quanh ta. Giai đoạn khởi đầu này thường kéo dài khoảng 12-13 năm (từ mẫu giáo - tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông), bình thường thì chiếm khoảng 1/6 hoặc 1/7 đời người, song lại là giai đoạn quan trọng và có ý nghĩa hết sức lớn lao trong quá trình phát triển thể lực, trí lực cũng như hoàn thiện nhân cách, tư cách và tâm hồn, tài năng của mỗi con người. Thực tế đã chứng minh rằng rất nhiều tài năng lớn, danh nhân và người thành đạt trong xã hội đã được học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phát triển nhân cách, trí tuệ chủ yếu trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông này.
Có giả thuyết cho rằng: Nhiều trẻ em, học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ấy đã sớm định hình được tính cách và tài năng, hay bộ lộ những thiên bẩm, trí óc và khả năng xuất chúng về một lĩnh vực nào đó của xã hội; để rồi sau đó, cộng với trường đời và thông qua học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu thêm để trở thành tài năng, có nhiều đóng góp cho nhân quần, cho xã hội. Điều này có thể lý giải thêm là: cũng trong thời gian 12-13 năm học tập ấy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các em, các thầy cô giáo còn là những tấm gương sáng, đã chỉ bảo, truyền thụ cho các em nhiều kiến thức bổ ích, hấp dẫn, cần thiết để gợi mở cho các em trí óc sáng tạo, khám phá những chân trời mới, những hiểu biết mới của thế giới.
2. "Học tập suốt đời" - Nhìn từ góc độ thư viện
Như ta đã biết, thư viện được coi như một cơ sở giáo dục ngoài nhà trường. Nơi ấy có không gian yên tĩnh, thân thiện, có cảnh quan đẹp và đặc biệt có nhiều sách báo, tài liệu phục vụ cho việc học tập và học tập suốt đời.
Đến với bất cứ thư viện nào trên đất nước Việt Nam (kể cả các thư viện trường phổ thông hay thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành ở nước ta), bạn sẽ được đón tiếp thân tình và chu đáo, bạn sẽ được đáp ứng tối đa những nhu cầu về sách báo, thông tin mà bạn đang quan tâm. Rồi bạn đọc sẽ được đọc sách/ tra cứu thông tin một cách thoải mái mà không bị ai quấy rầy. Những phòng đọc tràn ngập ánh sáng với những kệ sách xếp ngay ngắn, khoa học, chắc chắn sẽ giúp bạn thoải mái tư duy, liên tưởng và suy nghĩ về những vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Đã từ lâu ở nước ta, văn hóa đọc và đọc sách trong các thư viện, phục vụ cho học tập, nghiên cứu và giải trí... là quyền lợi của mỗi công dân, dù người đó còn trẻ hay đã già, dù bạn có là trai hay gái, dù bạn là bộ đội, công nhân hay nông dân, dù bạn là người Kinh hay người đồng bào dân tộc thiểu số, dù bạn ở nông thôn hay thành thị, hay ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Vì cơ hội tiếp cận tri thức là cơ hội dành cho tất cả nọi người, là quyền bình đẳng của mỗi công dân Việt Nam (Điều này đã được quy định trong Pháp lệnh Thư viện).
Vì thế, ngoài thời gian học tập trên lớp, trên giảng đường, ngoài thời gian lao động, làm việc, chúng ta có thể đến thư viện để đọc thêm sách báo, tham khảo thêm tài liệu, giáo trình v.v... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Học ở trường, học ở trong sách vở và học ở dân” cũng là hàm ý nói rằng, người ta ngoài thời gian học ở trường thì cần đọc và học nhiều ở trong sách báo. Vì sách báo và thư viện là môi trường học tập rất tốt, khá toàn diện và khá đầy đủ về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sách báo đã được tích lũy từ đời này qua đời khác, gồm nhiều "túi khôn" của nhân loại, nay lại giúp ích cho mỗi chúng ta trong cuộc sống. Và cũng bởi chưng điều này nữa: Đời người và hiểu biết của mỗi con người thì hữu hạn, còn tri thức, kiến thức nhân loại thì mênh mông, không học thật khó nắm bắt và làm việc cho có hiệu quả - cho dù ấy là việc nhỏ nhất.
3. "Học tập suốt đời" - Nhìn từ góc độ xã hội
Nhìn từ góc độ xã hội, Việt Nam chúng ta hàng ngàn năm nay luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thành công, mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hun đúc và phát triển trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những tấm gương lớn của các danh nhân đất Việt về học tập suốt đời trong lịch sử và cả hiện nay như: Lê Quý Đôn, Đào Duy Từ, Lê Hữu Trác, Hồ Chí Minh, Trần Đại nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Hiến Lê, Hữu Ngọc, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Ngô Bảo Châu v.v... là minh chứng cho việc siêng năng, cần cù chịu khó học tập và học tập suốt đời, để có được chỗ đứng trong xã hội, để phục vụ tốt nhất lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân dân.
V.I. Lênin có nói "Học, học nữa, học mãi", để ngụ ý nói về nhu cầu và trách nhiệm cao cả của mỗi công dân, trong việc tiếp thu học vấn và tri thức để góp phần xây dựng nước Nga Xô viết ngày càng giàu mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng cho chúng ta soi chung vì tinh thần học tập suốt đời của Người, vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích dân tộc. Người đã từng nói "Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi".
Ngày nay, trong thời đại nền kinh tế tri thức, trong tiến trình đổi mới đất nước, trong điều kiện KH&CN phát triển mạnh mẽ đã và đang trở thành lực lượng sản suất trực tiếp, thì việc học tập và học tập suốt đời đang đặt ra cho chúng ta một thách thức to lớn. Với Slogan "Học tập suốt đời là chìa khóa của mọi thành công", đã hơn 10 năm nay, phong trào khuyến học phát triển hết sức sâu rộng trong phạm vi cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự nghiệp "trồng người", sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã trở thành mối quan tâm chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Sự nghiệp ấy đã phát triển mạnh mẽ, ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền... tạo nên một phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi tới khắp các địa phương trong cả nước. Phong trào ấy không chỉ là nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể, mà nó còn là ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Và chắc chắn trong tương lai không xa, kết quả của phong trào "học tập suốt đời" sẽ còn tiếp tục được nhân rộng trong phạm vi cả nước, trở thành nhân tố tích cực và động lực to lớn thúc đẩy nhanh, mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chúng ta hy vọng và trông cậy vào điều đó, bởi nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, cần cù và chịu khó; có trí óc thông minh và có nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta đã luôn chiến thắng giặc xâm lăng, không lẽ gì hôm nay, chúng ta không chiến thắng được nghèo nàn và lạc hậu để "sánh vai với các cường quốc năm châu", như Bác Hồ kính yêu kỳ vọng.