Bạo lực giới là vấn đề mang tính toàn cầu, bao gồm các hình thức lạm dụng tình dục, thể chất, tinh thần và kinh tế, phân biệt đối xử hoặc kì thị trong cung cấp dịch vụ. Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về gia đình được thực hiện năm 2010 cho thấy, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là thể xác, tình dục và tinh thần thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án, CCIHP tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu dành cho phụ nữ A Lưới để họ biết cách chia sẻ câu chuyện và cách đề cập các vấn đề về bình đẳng giới xung quanh cuộc sống hàng ngày của họ. Bên cạnh đó, tập huấn kỹ năng chụp ảnh các sự kiện, vấn đề trong cuộc sống liên quan đến bình đẳng giới.
Chị Lê Kim Thoa, cán bộ hội phụ nữ huyện A Lưới cho biết, A Lưới là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của người Tà Ôi, Kơ Tu, Pa Cô, Pa Hi. Dự án "Chúng tôi thấy, Chúng tôi nói" được thực hiện thông qua hình thức Photo voice (sử dụng hình ảnh và kể chuyện) để hỗ trợ những người phụ nữ A Lưới kể chuyện về cuộc sống, gia đình và những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực giới. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới và phòng chống bạo hành giới; vận động sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể, người dân, đặc biệt là nam giới trong việc thúc đẩy các hành động nâng cao bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới tại A Lưới nói riêng và Việt Nam nói chung.
Triển lãm diễn ra từ ngày 22 đến 26-10, tại Nhà Thông tin - Triển lãm, 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Đồng thời, từ ngày 15 đến 31/10, triển lãm cũng diễn ra tại Trung tâm Văn hóa huyện A Lưới và triển lãm lưu động tại các xã trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).