* Tạo được nét đẹp riêng
Từ trung tâm thành phố Huế, theo đường Bùi Thị Xuân, hướng lên phía Tây - Nam thành phố chừng 5 đến 7 phút đi xe máy là đến thôn Đông Phước 2 phường Thủy Biều. Chỉ một khoảng cách ngắn nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa đô thị sầm uất là trung tâm thành phố và khu dân cư xanh mát, yên bình của Đông Phước 2. Đường xóm ở đây luôn sạch, hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. Dừng chân ở nhà ông Hoàng Trọng Lành ở tổ 6, ngồi dưới hiên nhà rợp bóng cây thành trà, chúng tôi bắt đầu câu chuyện vệ sinh môi trường ở Đông Phước 2. Ông Lành kể: Hồi mới bắt đầu thực hiện mô hình "khu dân cư bảo vệ môi trường" (năm 2006), người dân được mời họp, nghe phổ biến nội dung rồi mỗi nhà đều ký bản cam kết thực hiện giữ gìn môi trường. Họp hành, vận động nhiều lắm. Ban đầu người dân có vẻ thờ ơ, đứng ngoài cuộc, xem việc bảo vệ môi trường là của chính quyền, của Nhà nước. Qua tuyên truyền, vận động, đặc biệt địa phương đã lồng ghép vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng gia đình văn hóa" nên các hộ gia đình đã hiểu ra. Việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi được người dân thực hiện đảm bảo mặc dù chưa có công ty vệ sinh môi trường đi thu gom từng nhà như bây giờ. Cứ mỗi buổi sáng, nhà nào vệ sinh nhà đó đảm bảo "sạch nhà, sạch đường, sạch ngõ". Đột xuất, định kỳ hay vào trước các dịp lễ lớn của quê hương, đất nước, địa phương huy động toàn dân, các đoàn thể ở tổ dân phố ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang cây bụi trên các ngõ xóm, tuyến đường ở địa phương. Đến khi có công ty môi trường đi thu gom rác tận nhà, người dân đã phân loại rác, rác hữu cơ thì dùng làm phân xanh bón vườn cây, rác không tiêu hủy được bỏ vào bao gọn gàng để người thu gom lấy đi (tuyệt đối không tự đốt). Việc tập kết rác đảm bảo đúng ngày giờ, không đưa ra đường khi chưa có người đến thu gom, làm mất mỹ quan đường phố và gây ô nhiễm.
Tại tổ dân phố 5, Đông Phước 2, cũng với mong muốn tìm hiểu thêm về việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, chúng tôi được ông Võ Bá Minh cho biết: Bây giờ người dân chấp hành tốt lắm, đã thành thói quen. Một hộ dân nào có việc làm không đảm bảo vệ sinh môi trường đều bị hàng xóm phản ánh ngay. Mới đây, có một vài trường hợp hộ kinh doanh dọc đường phố đã đổ nước rửa chén bát ra đường ảnh hưởng đến người đi đường. Người dân đã phản ánh lên tổ dân phố và tổ đã đến nhắc nhở đề nghị chấm dứt việc làm đó. Những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, qua hướng dẫn, nhắc nhở của địa phương đã đào hầm xử lý dứt điểm, không để gây mùi hôi cho những hộ lân cận. Những hộ chăn nuôi lớn hơn thì được nhà nước hỗ trợ xây hầm bioga xử lý chất thải.
* Tiếp tục phát huy nét đẹp
Trong quá trình thực hiện mô hình "khu dân cư bảo vệ môi trường", Đông Phước 2 đã làm rất tốt được tỉnh chọn đi báo cáo kinh nghiệm ở Trung ương. Vừa qua, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục ghi nhận thành tích của địa phương với việc tặng bằng khen cho khu dân cư Đông Phước 2 về "thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2009 - 2014". Ông Hoàng Trọng Lành ở tổ 6 cho biết thêm: Toàn khu vực dân cư có gần 400 hộ dân, phần lớn là cán bộ, công chức, thợ phổ thông, kinh doanh dịch vụ và một số hộ chăn nuôi, trồng cây ăn trái (thanh trà). Cái khó trong giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương hiện nay là từ những hộ chăn nuôi lợn (khoảng 25 hộ). Do điều kiện kinh tế gia đình nên những hộ này vẫn đang chăn nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên qua vận động, người dân đã biết để có cách xử lý chất thải, giảm đáng kể tình trạng gây ô nhiễm mùi hôi đến môi trường sống. Hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ những hộ chăn nuôi ở đây để xây hầm bioga đảm bảo chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để.
Anh Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Thủy Biều cho biết: Mô hình "khu dân cư bảo vệ môi trường" ở Đông Phước 2 được UBMTTQ Việt Nam tỉnh đầu tư tập huấn, tuyên truyền, vận động trong ba năm (2006 - 2009), sau thời gian trên địa phương chủ động để duy trì mô hình cho đến nay. Hằng năm, vào những dịp như Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6), Ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18 tháng 11), trong các cuộc họp dân,... chính quyền và mặt trận địa phương đều tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường, nhắc nhở, động viên người dân tiếp tục phát huy nét đẹp trong gữ gìn vệ sinh môi trường. Địa phương xem đó là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi người dân để góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn khu dân cư.