Ký ức của Mủ
Lượt đọc: 102836Thời gian: 16:37 - 30/10/2014

(VHH) - Mủ là tên tiếng Việt của họa sĩ đến từ Thái Lan Pomsawan Nonthapha. Anh đến với mảnh đất cố đô Huế lần thứ ba này mang theo miền ký ức bình dị, thân thuộc của quê hương với công chúng Việt Nam qua triển lãm "Ký ức E-san". Triển lãm diễn ra từ ngày 23/10 đến 30/10 tại Then Cafe, 63 Lê Trung Đình, TP Huế.

Sự khác biệt mang lại đầu tiên bắt gặp trong triển lãm là những hình ảnh vừa thực vừa hư. Đó là phong cách bán trừu tượng đặc trưng riêng của tác giả. Nửa thật ở đây chính là hình ảnh cụ thể của những vật dụng được in lên tranh như hình ảnh đan xen của những mảnh lưới, hình ảnh của chiếc nơm tre bên hông người dùng. Nét hư có được nhờ sự chồng xếp nhiều chi tiết để tạo nên một tổng thể chung mà người xem có thể tưởng tượng theo ý của mình.

Một thế giới sống động ẩn hiện dưới sự tĩnh lặng của những hình ảnh đồ vật chồng xếp lên nhau. Có thể bắt gặp hình ảnh người thiếu phụ trên cánh đồng lúa mênh mông, hiu hắt của ánh hoàng hôn. Cũng có khi bạn nhìn ra được một gã si tình đang chơ vơ dưới ánh đèn mờ ảo hay cả những chú mèo ngỗ nghịch đang nô đùa cùng nhau. Tất cả, bạn cứ thỏa thích thả trí tưởng tượng của mình khi đến với những bức tranh của Mủ.

Gam màu đất được sử dụng chủ yếu để nói lên được sự trầm ấm cho cuộc sống bình dị của vùng đất E-san. Cũng chính màu sắc này, từng mảng ký ức lại hiện ra không chỉ của tác giả mà còn của người cảm nhận.

Mỗi bức tranh không có sự chú thích riêng, không thể tách ra để nói riêng ý nghĩa của từng bức được. Bởi đây là một chuỗi ký ức được sắp xếp theo không gian và cả thời gian. Bức này móc nối với bức kia, hình ảnh này tiếp đến hình ảnh kia, liên tục như một cuốn phim. Chồng lớp những hình ảnh, chồng lớp những màu sắc tạo nên chiều không gian sâu lắng của ký ức, hoài niệm.

Được chuẩn bị kĩ lưỡng trong suốt một năm tròn, 30 bức đồ họa lần này là những đứa con tinh thần đầy tâm huyết của anh. Từng chi tiết trên tác phẩm đều chứa đựng tình yêu về mảnh đất thời tuổi thơ tươi đẹp.

E-san là một vùng đất rộng lớn về phía Đông Bắc Thái Lan, nơi mà nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Những vật dụng như chiếc giỏ tre, cái nơm, lưới bắt cá…trở thành đại diện của đời sống văn hóa nơi đây. Chính vì thế, những hình ảnh này có sự gắn kết ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của tác giả - một người yêu thương sâu sắc vùng đất mà mình sinh sống.

Mủ tốt nghiệp cử nhân ngành đồ họa Đại học Chiangmai, Thái Lan. Thế nên, 30 tác phẩm mang sang lần này đều thuộc dòng tranh đồ họa vốn còn ít ỏi tại Việt Nam nó đã phát triển mạnh ở nước bạn. Một cơ hội hiếm hoi để công chúng Việt được biết thêm, học hỏi thêm về tranh đồ họa cũng như kĩ thuật đồ họa từ Thái Lan - nước đứng đầu khu vực về dòng tranh này. Mủ đã dùng thủ pháp phối trộn nhiều kỹ thuật đồ họa tranh in khác nhau như Dry Point, Mono Print, Collograph và cả kỹ thuật vẽ thuần hội họa. Sự công phu này đã tạo nên những bức tranh có hồn, sống động.

Qua 30 tác phẩm, điểm đọng lại sâu sắc trong tâm trí của người xem là tình yêu quê hương của tác giả. Từng lát nan tre, từng mảnh lưới…hiện lên tinh tế trong mỗi một nét in của bức tranh. Nghệ sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên khoa Đồ họa, Đại học Nghệ thuật Huế chia sẻ: "Mủ luôn tỉ mỉ, cần mẫn cho từng nét vẽ, nghiêm túc lao động cả khi sáng tác lẫn khi tác phẩm đã mang lên trưng bày". Chính những tình cảm thật đã tự tạo cho nó giá trị.

Đến với triển lãm "Ký ức E-san" lần này, khán giả được đắm mình trong nghệ thuật, thỏa trí tưởng tượng bay xa và phiêu bồng cùng những bài dân ca của xứ sở này.

Theo Yên Thường (Nhân Dân)
Các tin khác
Xem tin theo ngày