Cơm cung đình Huế: Nghi lễ và vương giả
Lượt đọc: 121416Thời gian: 10:27 - 06/11/2014

(VHH) - Người Huế vốn là người xứ kinh kỳ, nên lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử, đi lại cũng nhẹ nhàng, tri thức. Ẩm thực cung đình Huế cũng mang nhiều nét ảnh hưởng của cung cách hoàng gia: Ăn uống nhẹ nhàng, khoan thai, các món ăn ngoài khẩu vị ngon phải nhẹ và thanh, cách trình bày cũng phải đẹp, bắt mắt.

Từng là kinh đô Phú Xuân của đất nước ta trong suốt 143 năm thời nhà Nguyễn từ 1802 đến 1945, cố đô Huế để lại nhiều di sản vô cùng quan trọng từ những công trình kiến trúc đến các sản phẩm văn hóa phi vật thể. Trong đó, văn hóa ẩm thực Huế - bao gồm hai phần: ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian, cũng là một trong những nét văn hóa quan trọng cần được bảo tồn và gìn giữ, phát huy.

Người Huế vốn là người xứ kinh kỳ, nên lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử, đi lại cũng nhẹ nhàng, tri thức. Ẩm thực cung đình Huế cũng mang nhiều nét ảnh hưởng của cung cách hoàng gia: ăn uống nhẹ nhàng, khoan thai, các món ăn ngoài khẩu vị ngon phải nhẹ và thanh, cách trình bày cũng phải đẹp, bắt mắt.

Nhiều nghiên cứu, sách vở.. cũng đã nói đến sự cầu kỳ trong bữa ăn vua quan triều Nguyễn. Từ nguyên liệu nấu ăn, cách nấu, đến cách dùng gia vị, trang trí cho món ăn, cũng như cách ăn, cách thưởng thức đều nặng tính nghi lễ, vương giả, sang trọng.

Vào năm 1990, ông Nguyễn Hữu Đông, chủ một nhà hàng ở Huế, cho ra đời một sáng kiến là tổ chức bữa ăn cung đình Huế để phục vụ những người địa phương và du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cảm giác một bữa cơm cung đình, vừa phục vụ kinh doanh, vừa góp phần giữ gìn nét văn hóa Huế. Sáng kiến này của ông được sự trợ giúp của các sử gia, cùng với sự góp sức của một người cháu gái của vua Thành Thái.

Bữa cơm cung đình Huế được tổ chức thành công và nhanh chóng được biết đến, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa được yêu thích tại Huế. Các nhà hàng, quán ăn ở Huế cũng nhanh chóng theo trào lưu này, tổ chức phục vụ cho du khách.

Các thực đơn cũng dần dần phong phú hơn. Ngoài "nem công chả phượng", còn rất nhiều món ăn khác nghe tên đã thể hiện sự cầu kỳ: Bạch Ngọc giao bôi, Cua lướt thuyền rồng, cơm sen hồ Tịnh.. Các món ăn quen thuộc hơn thì có Súp cua nấm, Bánh khoái nước lèo, Cơm chưng hạt sen, bánh lá chả tôm, cá hấp nấm.. Thống kê sơ bộ cho thấy hiện nay có khoảng 8 kiểu thực đơn phổ biến ở Huế thường được đưa ra để phục vụ du khách ở các nhà hàng.

Về bản chất món ăn thì cũng là những món ăn quen thuộc với ẩm thực Huế. Tuy vậy, khâu trình bày được đặt trên yêu cầu cao. Từ những củ quả quen thuộc như cà rốt, củ cải, trái bí, trái ớt.. người nấu bếp có thể cắt tỉa gọt thành những con rồng, con phượng hết sức khéo léo, đặt trên đĩa thức ăn, khiến cho món ăn nhìn rất bắt mắt và long trọng. Cách trang trí bàn ăn cũng khá cầu kỳ từ việc để khăn ăn, đặt muỗng đũa, ly tách.. cũng cần đẹp mắt.

Nhiều nhà hàng còn chuẩn bị trang phục để hóa trang thành Vua, Hoàng hậu, các quan lại, khách, sứ giả.. để phục vụ những đoàn khách muốn thưởng thức trọn vẹn hơn không khí một bữa cơm cung đình. Nhà hàng sẽ hướng dẫn sơ bộ việc "lễ nghi" ra sao cho các khách đóng vai từ vua đến quan trong việc thưởng thức bữa ăn. Nhân viên phục vụ quán sẽ thành những cung nữ phục vụ bữa tiệc. Cũng là một trải nghiệm thú vị.

Ngoài ra, khách thưởng thức ẩm thực cơm cung đình Huế còn có thể vừa thưởng thức bữa ăn vừa thưởng thức nhã nhạc cung đình, một loại hình văn hóa cũng xuất phát từ triều đình nhà Nguyễn.

Nghe nhã nhạc cung đình, thưởng thức  món ăn bài trí theo kiểu cung đình, tìm hiểu và lắng nghe các câu chuyện về triều đình Huế, các thực khách cũng vì thế mà sửa sang cho mình một thái độ ăn uống hết sức từ tốn, khoan thai, trò chuyện cũng ôn tồn.. Đây cũng là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa ẩm thực Huế, cũng là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc trên đất nước Việt Nam ta.

BM (Theo Một thế giới)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày