Sống lại bản Cung Ai trong kiệt tác di sản
Lượt đọc: 104354Thời gian: 14:05 - 10/12/2014

(VHH) - Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO tôn vinh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nhưng làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị này khi cùng với thời gian, những nghệ nhân am hiểu về Nhã nhạc ngày một ít dần. Đặc biệt, những bản nhạc của loại hình âm nhạc này đã bị biến tấu, thất truyền qua thời gian.

Thời gian qua, cùng với việc được nghệ nhân Kim Hyunkon (Hàn Quốc) chế tác và trao tặng bộ biên chung (chuông đồng) và biên khánh (bằng đá) là hai nhạc cụ quan trọng bậc nhất trong dàn Nhã nhạc cung đình Huế đã thất truyền về công nghệ chế tác, nhạc phổ lẫn cách thức trình tấu, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã nỗ lực triển khai dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam" với sự tài trợ một phần kinh phí của Quỹ Ủy thác Nhật Bản, thực hiện từ năm 2005 đến nay đã đạt được nhiều kết quả.

Trong đó, đã hoàn thành hồ sơ khoa học về nhạc cụ Nhã nhạc; tư liệu hóa hệ thống thư tịch, hình ảnh và âm thanh về Nhã nhạc; hoàn thành công trình chuyển biên bài bản Nhã nhạc; xây dựng hồ sơ mười nghệ nhân Nhã nhạc đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận là nghệ nhân tiêu biểu trong hệ thống nhân văn quốc gia... Một đội ngũ nhạc công Nhã nhạc lành nghề được đào tạo. Ðặc biệt là việc phục chế thành công trang phục múa Bát dật và hoàn thành nghiên cứu trang phục đại nhạc, tiểu nhạc và một số vũ phục cung đình Huế...

Nói về kết quả này, ông Hồ Minh Tuấn, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, cho biết: Dự án Nhã nhạc đã được UNESCO đánh giá rất cao, coi đây là một trong những dự án thí điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể thành công nhất mà UNESCO đã triển khai trên các châu lục khác trong thời gian qua. Dự án đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các định hướng hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Công ước 2003 về bảo vệ di sản phi vật thể đang được triển khai hiện nay.

Trong khi đó, bà Francoise Rivière, Phó tổng giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO cho rằng: Dự án Nhã nhạc rất quan trọng đối với UNESCO vì nó kết hợp được cả di sản vật thể và phi vật thể, hai hoạt động trụ cột trong việc thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới... Có thể tin tưởng rằng những kinh nghiệm của dự án không chỉ mang lại những bài học bổ ích cho Việt Nam, mà còn cho cả thế giới.

Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Là một sáng tạo đặc biệt, mang âm hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam, có tính chuyên nghiệp và bác học cao. Nhã nhạc cung đình Huế mang một âm điệu đặc trưng, thể hiện phong cách, tâm hồn, bản sắc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng và là một trong những đại diện của văn hoá cung đình Huế. Nghệ nhân Hồ Đăng Châu giải thích: Về mặt âm nhạc học, Nhã nhạc có mối liên hệ gần gũi với âm nhạc dân gian Huế, như việc cùng áp dụng một số loại hơi nhạc đặc trưng như hơi Khách, hơi Dựng.

Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, hơi nhạc được cấu thành bởi yếu tố thang âm và các hình thức trang điểm chữ nhạc phù hợp với ngữ điệu giọng nói của từng địa phương. Vì vậy, hơi nhạc phản ánh rất rõ nét bản sắc văn hóa âm nhạc riêng của vùng Huế.

Cùng với việc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế vừa hoàn tất hồ sơ khoa học "Nghiên cứu bài bản Nhã nhạc Cung Ai" và phục hồi đưa Nhã nhạc Cung Ai vào biểu diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại nội Huế. Có thể nói đã làm sống lại bản Cung Ai trong Nhã nhạc cung đình Huế. Góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam.

Theo Thời báo Ngân hàng
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày