5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, TP. Đà Nẵng cùng với TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) được định hướng phát triển thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực văn hóa - nghệ thuật và gia đình cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế. Ưu tiên bảo tồn và phát huy các di sản thế giới, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương và các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Các địa phương cần phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: Tuồng, ca Huế, bài chòi; trong đó lưu ý đề nghị công nhận "Nghệ thuật bài chòi" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại trong năm 2015; duy trì, phát triển các sự kiện Festival di sản, Festival Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Festival Pháo hoa quốc tế, Liên hoan Múa quốc tế... Các loại hình nghệ thuật phải trở thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của vùng.
Bên cạnh đó, cần củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại tại các đô thị đóng vai trò động lực phát triển của vùng như: Xây mới Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa-Trường Sa (Quảng Ngãi), Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Trung tâm Giao lưu và Biểu diễn nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Các địa phương tiếp tục chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp và vùng cửa khẩu, hải đảo; mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch của vùng; phấn đấu đến năm 2030, vùng có 1 trường đại học văn hóa - nghệ thuật…
Về lĩnh vực thể dục, thể thao, phấn đấu đến năm 2020, vùng trở thành trung tâm thể dục, thể thao của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó TP. Đà Nẵng là hạt nhân. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phát triển sâu rộng các phong trào thể dục, thể thao quần chúng; đầu tư các môn thể thao trọng điểm, thế mạnh của từng địa phương; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật thể thao, các trường đào tạo năng khiếu, các cơ sở huấn luyện và đào tạo thể thao thành tích cao.
Đối với lĩnh vực du lịch, quy hoạch đặt mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, có các sản phẩm đặc thù, tính cạnh tranh cao như du lịch di sản văn hóa-lịch sử, tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng...; đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, ưu tiên phát triển phân khúc thị trường khách lưu trú dài ngày và chi tiêu cao; chú trọng phân khúc thị trường nội địa như nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm... Toàn vùng phấn đấu đến năm 2020 đón khoảng 6 triệu khách quốc tế, 8 triệu khách nội địa.