Tham gia đoàn công tác của Bộ có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ: Di sản Văn hóa, Kế hoạch Tài chính, Văn hóa Cơ sở, Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng. Đoàn công tác của Bộ đã tiến hành kiểm tra các công tác trùng tu, hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu vực Đại Nội Huế, Khu chứng tích lịch sử Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân; kiểm tra tình hình xây dựng, sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục...
Sau buổi kiểm tra, chiều qua (10/01), tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự buổi làm việc với đoàn có các đồng chí: Đ/c Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đ/c Phan Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL cùng lãnh đạo Sở VHTTDL, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch, Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Du lịch; các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở VHTTDL và Trung tâm BTDTCĐ Huế.
Báo cáo tại buổi làm việc, đ/c Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL đã nhấn mạnh những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác tu bổ, quản lý hệ thống di tích. Trong đó, đối với quần thể di tích cố đô Huế đã tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ 14 di tích; tiến hành thám sát, khai quật 23 công trình tại Kinh Thành, Đại Nội, lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức...; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân công cho các địa phương quản lý 153 di tích thuộc địa bàn quản lý. Hằng năm, Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng và triển khai các hồ sơ tu bổ. Về công tác tu bổ di tích, năm 2014, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành tu bổ nhiều công trình với tổng kinh phí khoảng 105,4 tỷ đồng.
Đối với các di tích văn hóa, lịch sử, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong năm 2014, Sở VHTTDL đã hướng dẫn các đơn vị liên quan tiến hành chống xuống cấp di tích và đưa vào sử dụng đối với những công trình: Đình làng Quy Lai (Phú Vang); Phủ thờ Tôn Thất Thuyết, Đình làng Dạ Lê (Hương Thủy); Chùa Thánh Duyên (Phú Lộc) với nguồn vốn tu bổ là 2,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp khảo sát, đánh giá hiện trạng và hướng dẫn các địa phươngt về thủ tục lập hồ sơ tu bổ đối với các công trình đang xuống cấp.
Năm 2014, Sở VHTTDL cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành kế hoạch kiểm kê hiện vật tại các bảo tàng, nhà trưng bày và di tích đã được xếp hạng trên địa bàn; qua đó đánh giá thực trạng quản lý, bảo quản để đề ra những giải pháp tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý.
Về công tác quản lý lễ hội, Sở VHTTDL đã duy trì kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thường xuyên đôn đốc việc triển khai công tác phòng ngừa và các phương án khắc phục nguy cơ xảy ra sự cố trong các hoạt động lễ hội. Các hoạt động lễ hội trong năm 2014 được tổ chức đúng định kỳ, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực và bất cập trong quá trình quản lý và tổ chức lễ hội.
Đối với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với thực hiện Đề án xây dựng NSVM đô thị và nông thôn đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và đời sống xã hội, được các đoàn kiểm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao.
Tại buổi làm việc, đ/c Giám đốc Sở VHTTDL cũng đã kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét ưu tiên nguồn vốn tu bổ di tích; đề nghị Bộ xem xét kiến nghị và thống nhất với Bộ Xây dựng về quy trình, thủ tục thẩm tra thiết kế các công trình tu bổ đối với các di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và những dự án có vốn đầu tư không lớn, tạo thuận lợi cho công tác triển khai tại địa phương; đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVTT của Bộ VHTT (Nay là Bộ VHTTDL), nhằm tăng cường công tác quản lý; hạn chế cấp phép tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém ngân sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Về những kiến nghị, đề xuất, Thứ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị ở địa phương nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết cụ thể với lãnh đạo Bộ.