Những người theo nghiệp Táo quân
Lượt đọc: 103925Thời gian: 14:13 - 28/01/2015

(VHH) - Ở tỉnh Thừa Thiên Huế có một xóm nhỏ nằm tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà chuyên làm nghề ông Táo vào dịp Tết.

 

 

Nghề "vui" chẳng tính lỗ lời

Khi chúng tôi đến, lò gốm làm tượng "ông Táo đất" của ông Võ Văn Đức vẫn đang đỏ lửa với hàng ngàn tượng ông Công, ông Táo được xếp ngay ngắn. Những tượng đất đã hoàn chỉnh thì được xếp gọn, chuẩn bị đem đi tiêu thụ trước ngày 23 tháng Chạp. 

Thường ngày, cũng giống như những người dân khác trong làng, ông Đức cùng vợ và các cháu làm nghề "lao động chân tay" để mưu sinh. Nhưng bắt đầu từ ngày 20/ 11 Âm lịch trở đi, xưởng làm ông Táo nhà ông Đức nhộn nhịp hẳn lên, cho đến trước rằm tháng Chạp thì tắt lò. Lúc này, hàng ngàn ông Táo đất theo những chuyến xe tỏa đi khắp các huyện trong tỉnh rồi vào cả TPHCM, ra Hà Nội. 

Chị Lê Thị Vân - công nhân lò nung cũng là thành viên gia đình làm nghề nặn Táo quân - cho biết: "Mỗi mẻ nung Táo đất thường được ấn định khoảng được 1.000 "ông". Mỗi dịp Tết, xưởng xuất ra thị trường khoảng 10.000 ông Táo đất. Có năm vẫn không đủ bỏ cho các cửa hàng”. 

Dỡ mẻ Táo đất đầu tiên ra khỏi lò, chị Vân tiếp lời: "Làm Táo đất không khó vì đã có khuôn. Đất sét sau khi đã được nhào kỹ sẽ được nhồi vào khuôn in sẵn hình hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Tiếp nữa, người làm dùng đồ nghề gạt phần đất thừa cho phẳng, đem nung là được". 

Nhìn bàn tay thoăn thoắt nhồi, nén, gạt của chị Vân mới thấy để làm được một "ông", người thợ phải có tay nghề cao, tỉ mẩn trong từng giai đoạn.

Bàn tay khéo léo của người thợ làm Táo đất ở Địa Linh cũng khác so với những "tay ngang". Khuôn đúc các "ông" tại xưởng này cũng được làm tỉ mỉ, hình ảnh tượng Táo chi tiết và cũng sắc nét hơn so với nơi khác. Táo đất từ xưởng ông Đức được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng và mẫu mã đẹp. Cho nên, Tết năm nào, khách đặt hàng cũng đông, 6 người làm mà vẫn không kịp.

"Khi nặn ông Táo quan trọng nhất là độ dẻo của đất sét và cách nhồi đất vào khuôn. Nếu nhồi không chặt, các "ông" Táo đất sẽ bị méo, lõm thì nhìn sẽ rất kỳ. Sau khi dỡ khỏi khuôn, các Táo sẽ được xếp ngay ngắn lên một viên ngói rồi mang ra sân phơi trước khi đưa vào lò gốm" - ông Đức chia sẻ.

 Những ông Táo sau khi ra khỏi lò đốt được sắp vào từng hộp mì tôm. Gia chủ từ tháng 4 đã phải đi gom rơm khô vào bì cất lên giàn, dịp này đưa ra lót để sắp ông Táo kẻo vỡ. 100 ông táo 1 hộp, giá bán sỉ từ 30 - 50 ngàn, nhiều lúc thấp hơn. Ở chợ bán lẻ một ông Táo lại có khi giá từ 1 - 3 ngàn, nên người bán lẻ cũng kiếm được kha khá.

Trước đây, khá nhiều hộ gia đình ở vùng đất làm nghề tượng đất ông Táo, nhưng với một công việc nhọc nhằn, lấm bết cả ngày ăn không đúng bữa ngủ không đủ giấc nên đến giờ nên hiện chỉ còn 4 gia đình là anh em ruột ở vùng đất Địa Linh còn gắn với nghề. 

Gìn giữ nghề cha ông  

Là một trong những người hiếm hoi còn giữ nghề truyền thống này, dù khó khăn, cực nhọc với công việc, ông Đức vẫn hết lòng đam mê ngày ngày miệt mài với những bức tượng đất...

Ông tâm sự: "Làm nghề này khổ lắm, chỉ đủ ăn thôi, chứ có dư dả chi mô. 3 giờ sáng đã làm rồi, cứ làm liên tục thế khi nào hết đất thì thôi, vì khổ nên con cái trong nhà không ai theo nghề này cả, hết đời tôi thì nghề này gia đình cũng bỏ luôn"...

Thờ cúng ông Táo là nét đẹp văn hóa được trân trọng gìn giữ của người Việt. Những người nặn ông Táo đất tại làng Địa Linh phố cổ Bao Vinh sống được với nghề cũng vì thế. Giáp ngày "tam vị về chầu", những người làm nghề lại hối hả nhào nặn đất, đốt lò nung suốt ngày.

BM (Theo Minh Ngọc - GD&ĐT)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày